(Non-Spoil)Chạy xa với thể loại trinh thám, tưởng chừng như đã trở thành phong cách hành văn của Higashino Keigo. Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya, mang đến một góc nhìn khác cho người đọc. Khi nội tâm nhân vật, vấn đề xã hội, những triết lý sâu sắc được Higashino Keigo lồng ghép tinh tế phía sau những câu chuyện, những vấn đề riêng biệt của từng nhân vật trong sách.
“Cơ duyên có lẽ bắt đầu từ lần nói đùa với bọn trẻ con hàng xóm. Chúng cố tình đọc chệch tên tiệm Namiya thành Nayami, Nayami. Biển hiệu của tiệm ghi là ‘Nhận đặt hàng. Xin cứ hỏi’, thế là bọn trẻ hỏi tôi là ông ơi, vậy bọn cháu hỏi ông những khúc mắc của bọn cháu được không. Tôi bảo được chứ, các cháu cứ hỏi ông bất cứ khúc mắc gì và bọn nó hỏi thật. Xuất phát từ một lời nói đùa nên ban đầu toàn là những lời nhờ tư vấn tào lao thôi. Kiểu như cháu ghét học lắm nhưng lại muốn sổ liên lạc toàn là điểm 100 thì phải làm sao. Nhưng khi tôi khăng khăng giữ nguyên chính kiến, trả lời đầy đủ thì những lời xin tư vấn nghiêm túc tăng lên. Chẳng hạn như cháu khổ quá vì bố mẹ suốt ngày cãi nhau. Kể từ đó, tôi yêu cầu các câu hỏi phải được viết thành thư và cho vào khe nhận thư ở cửa cuốn. Thư hồi âm sẽ để trong hộp nhận sữa ở cửa sau. Làm vậy, tôi có thể hồi âm được cả thư nhờ tư vấn mà không xưng danh. Rồi bắt đầu có cả các thư xin tư vấn của người lớn. Tôi biết, có hỏi ông già tầm thường này cũng hoài công thôi nhưng vẫn cố gắng suy nghĩ và hồi âm lại.”Ông Namiya nói. Đó là lần đầu tiên ông Namiya chia sẻ về cơ duyên trở thành người giải đáp thắc mắc.
Câu chuyện diễn ra vào thập niên những năm 70 tại một vùng ngoại ô cách thủ đô Tokyo khoảng 2 giờ tàu chạy, có một tiệm tạp hóa tên là Namiya nằm một mình trên một đỉnh đồi thoai thoải, chuyên giải đáp bất kỳ thắc mắc nào của mọi người. Tất cả thắc mắc đều được trả lời bằng thư hồi âm do ổng chủ tiệm là Namiya viết. Các bức thư dù là những câu hỏi ngây thơ, bông đùa đến những câu hỏi hóc búa về các quyết định có thể thay đổi cuộc đời đều được bác Namiya giải đáp một cách nghiêm túc và chân thành. Chính vì điều đó, chả mấy chốc tiếng lành đồn xa, Tiệm tạp hóa Namiya trở thành nơi giải đáp những thắc mắc cho nhiều người dân Nhật Bản lúc bấy giờ. Công việc này cứ tiếp diễn, tiếp diễn, trở thành nguồn cảm hứng và đam mê của bác Namiya. Bác coi đó là một công việc nghiêm túc và là mục đích sống của bác trong những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời.
Thế nhưng, có một điều mà bác trăn trở khi cận kề với cái chết: Liệu rằng những lá thư phản hồi của bác có thật sự giúp đỡ được mọi người? Những giấc mơ trong bệnh viện cuối đời cho bác biết bác phải trở lại tiệm tạp hóa Namiya. Khi bác nhờ người con trai của mình gửi thông báo đến 32 năm sau vào ngày giỗ của bác ( 13 tháng 9): Tiệm tạp hóa Namiya sẽ mở cửa lại vào một đêm duy nhất. Mọi người có thể gửi thư phản hồi về những tư vấn của bác Namiya có thực sự giúp đỡ họ không.
Điều kỳ lạ, đó chính là những người đã được bác phản hồi đã gửi thư về lại từ tương lại cách thời đó 32 năm. Và cũng trong đêm đó, ở tương lai 3 tên trộm vô tình ghé vào tiệm tạp hóa Namiya. Cũng nhận được những bức thư nhờ tư vấn từ quá khứ. Chúng quyết định sẽ thay mặt tiệm tạp hóa Namiya giải đáp những thắc mắc đó.
Tiệm tạp hóa Namiya – Nơi lời khuyên hoàn toàn là miễn phí
Có một sự thật trong cuộc sống rằng, chúng ta luôn cần những lời khuyên, dù là ngay cả khi trong lòng chúng ta đã có được sự lựa chọn. Lời khuyên có lúc sẽ giúp chúng ta mạnh mẽ hơn trong những quyết định, đôi khi chỉ là lời tâm sự, an ủi hoặc động viên. Nhưng phải thừa nhận rằng, có một người sẵn sàng lắng nghe câu chuyện của chúng ta đã là một điều vô cùng may mắn rồi.
Huống hồ, tiệm tạp hóa Namiya không chỉ lắng nghe những câu chuyện từ nhiều người. Tiệm còn đưa ra những lời khuyên đắt giá. Phần nào đó đã góp phần thay đổi cuộc sống của những con người này.
“Nếu bản thân họ không muốn sống tốt, sống hết mình thì dù có nhận được câu trả lời nào cũng thế thôi”. Namiya. Đúng vậy, cuộc sống của mỗi người đều do chúng ta lựa chọn. Những lời khuyên, tư vấn sẽ chỉ là cái nhìn khách quan từ bên ngoài mà thôi. Chúng ta mới là người hiểu rõ vấn đề nhất mà chúng ta đang gặp phải.
Bằng giọng văn hóm hỉnh, lời văn gần gũi, đơn sơ, Higashino Keigo dễ dàng đưa người đọc vô thức lật dở lần lượt, lần lượt từng trang sách một. Khi ông chọn cách lồng ghép, đan xen giữa thực tại và quá khứ. Tưởng chừng như chẳng có một sợi dây liên kết nào giữa những câu chuyện riêng rẽ. Nhưng HigashinoKeigo đã không để độc giả phải thất vọng, từng nút thắt trong vấn đề của mỗi người được ông cởi bỏ khéo léo và tự nhiên nhất. Mối liên kết giữa con người – con người trong tác phẩm, dần dần hé mở mối liên kết đặc biệt giữa những quá khứ – hiện tại cách nhau hơn 3 thập kỷ. Tất cả được chắp cánh dưới ngòi bút tài hoa của Higashino, đưa tác phẩm Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóaNamiya trở thành một trong những tác phẩm kinh điển nhất mọi thời đại.
- Higashino Keigo – “Ông vua của nền văn học trinh thám Nhật Bản
Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya – Khi những giá trị được tôn vinh sau mỗi câu truyện
Một trong những thành công của “Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya”, đó chính là bài học mà người đọc chiêm nghiệm sau mỗi câu chuyện của mỗi nhân vật trong tác phẩm. Những vấn đề trong cuộc sống mà ít nhất mỗi người trong chúng ta, ai ai cũng từng gặp phải một vài lần. Đó là khi tình yêu – sự nghiệp được đặt cạnh bên nhau. Là khi giấc mơ song hành cũng gáng nặng chăm sóc gia đình. Là khi tài năng chẳng thể nào theo đuổi kịp giấc mơ.
Những bộn bề, những ngã rẽ trong cuộc sống của những người trẻ ở Nhật Bản vào thập niên 70 với khát vọng vươn xa khỏi thị trấn nghèo khổ, mong muốn trở thành một phần tử nhỏ đóng góp xây dựng đất nước mặt trời mọc. Tất cả được Higashino Keigo khắc họa một cách trọn vẹn và tinh tế nhất.
Và hơn thế nữa, đó là những góc tối cần được lên án trong xã hội Nhật Bản. Khi tác giả khắc họa vào cuối câu chuyện về 3 tên trộm, người thay mặt tiệm tạp hóa tư vấn cũng là 3 đứa trẻ mồ côi. Không nhận được tình yêu thương từ cha mẹ. Phần nào đó các em cũng đã phải trải qua tuổi thơ đầy bất hạnh. Kết thúc truyện với thư phản hồi từ bác Namiya từ quá khứ cho bức thư trắng của Atsuya. Thư phản hồi của bác Namiya, có thể xem ánh sáng soi đường cho 3 đứa trẻ mồ côi đó. Và chắc chắn, đã thắp sáng niềm hy vọng của hàng triệu độc giả khi tìm đến Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya.
Bức thư như sau:
“Gửi người vô danh.
Ông già này đã suy nghĩ rất nhiều về lý do bạn cất công gửi tới một tờ giấy trắng. Đây chắc chắn là một chuyện lớn, tôi không thể trả lời bừa được.Sau khi vận dụng hết cái đầu già cỗi này, tôi hiểu bức thư này có nghĩa là ‘không có bản đồ’.
Nếu ví những người nhờ tôi tư vấn là kẻ lạc đường thì phần đông trong số họ ở tình trạng có bản đồ nhưng không chịu xem hoặc không biết vị trí hiện tại của mình.
Nhưng có lẽ bạn không thuộc loại nào trong hai loại này. Bản đồ của bạn vẫn còn là tờ giấy trắng. Bạn đang ở trong tình trạng dù rất muốn quyết định đích đến nhưng lại không biết đường đi nằm ở đâu.Bản đồ là giấy trắng thì dĩ nhiên là lúng túng rồi. Ai cũng sẽ thấy mất phương hướng.
Nhưng bạn hãy thử thay đổi cách nhìn. Vì còn là giấy trắng nên bạn có thể vẽ bất kì bản đồ nào. Tất cả là tùy ở bạn. Mọi thứ đều tự do, khả năng là vô tận. Điều này thật tuyệt. Tôi mong bạn hãy tin vào bản thân và cháy hết mình với cuộc đời.
Tôi nghĩ là mình sẽ không còn viết thư trả lời tư vấn nữa. Cảm ơn bạn đã cho tôi một câu hỏi hóc búa nhưng tuyệt vời vào thời điểm cuối cùng này.
Tiệm tạp hóa Namiya.”
Tapchireview’s rating: 4.5/5