Trước khi biết đến Ngàn mặt trời rực rỡ và Người đua diều của tác giả Khaled Hosseini, Afghanistan trong tầm hiểu biết của tôi chỉ là 1 quốc gia Trung Á, thường xuyên có chiến tranh và số người theo đạo Hồi rất nhiều.
Tôi hầu như không biết về cuộc sống của con người ở Afghanistan. Ngàn mặt trời rực rỡ đã đưa tôi đến những trang sách đau thương nhất về họ, về những người phụ nữ Afghanistan – nạn nhân của chiến tranh, của chế độ chính trị hỗn loạn và tôn giáo hà khắc trên đất nước này. Những cuộc đời thấm đẫm đầy máu, nước mắt và sự tủi nhục. Nhưng sâu trong đó là khát vọng được tự do, được yêu thương và được bình đẳng luôn rực sáng như “ngàn mặt trời chiếu rọi phía sau lưng nàng”.
Tóm tắt Ngàn mặt trời rực rỡ
Ngàn mặt trời rực rỡ là câu chuyện về 2 người phụ nữ Mariam và Laila sống ở Afghanistan vào giai đoạn những năm 70 của thế kỷ trước cho đến những năm 2000 của thế kỷ sau. Câu chuyện được xây dựng trên những sự kiện chính trị, xã hội có thật ở Afghanistan trong giai đoạn này.
Mariam sinh ra vào những năm đầu 1960, sống với mẹ ở một ngọn đồi hoang vắng, gần như cách biệt với thế giới. Cô không được đi học bởi lẽ cô là đứa con riêng của Jalil – một địa phú giàu có trong vùng. Mariam luôn thầm kính bố mình nhưng Jalil lại coi cô như một sự tủi hổ cần phải che dấu trước sự đánh giá của người đời. Chính điều đó đã mở ra những bất hạnh của cuộc đời Mariam về sau này.
Laila sinh ra vào những năm cuối 1970, cô sống Kabul – Thủ đô của Afghanistan. Dù không nhận được nhiều tình yêu thương của mẹ nhưng bù lại Laila lại có một người cha hết mực lo lắng cho tương lai của cô. Laila được đi học, hơn nữa cô lại là 1 học sinh xuất sắc. Cô bé không chỉ thông minh mà lại còn là 1 người hiểu chuyện và rất xinh đẹp với mái tóc vàng óng ả. Laila có những người bạn thật sự ở trên lớp và Laila có Tariq – Cậu bé 1 chân nhà hàng xóm luôn bảo vệ và yêu thương cô.
2 người phụ nữ, 2 thế hệ khác nhau, 2 tuổi thơ trái ngược nhưng số phận lại đưa đẩy họ đến gần nhau, cùng nhau đi qua những tháng ngày đen tối nhất. Mariam và Laila là những đại diện đau thương nhất về số phận người phụ nữ Afghanistan. Hộ phải chịu sự những mất mát từ chiến tranh và sự đàn áp, bất công từ chế độ chính trị, tôn giáo hà khắc của đất nước này.
Review Ngàn mặt trời rực rỡ
Afghanistan là một trong những đất nước có nền chính trị, xã hội hỗn loạn nhất trên thế giới. Điển hình nhất là những năm 1988 – 1989, sau những cuộc chiến tranh không ngừng nghỉ giữa quân Liên Xô và quân đội Hồi giáo Mujahideen (được hậu thuẫn bởi Mỹ và các nước đồng minh, Liên Xô quyết định rút quân khỏi Afghanistan.
Từ đây, những cuộc thánh chiến giữa các phe phái, bộ tộc trong Afghanistan bắt đầu xảy ra nhằm tranh giành chính quyền. Các tay súng Hồi giáo Mujahideen đã thành lập Taliban và nhanh chóng lên nắm chính quyền tại Afghanistan vào khoảng năm 1992.
Taliban sử dụng súng ống và bạo lực để chế ngự người dân Afghanistan. Chính quyền này bắt đầu lập lại trật tự Afghanistan bằng luật Hồi giáo nguyên thủy nghiêm khắc. Theo đó, người dân không phép được giải trí, xem tivi, điện thoại, đọc sách, không được tiếp cận với sự tiến bộ bên ngoài thế giới,… Chỉ có đàn ông mới được ra đường, đi học, đi làm, chữa trị trong những bệnh viện tốt nhất,… Phụ nữ phải ở trong nhà, không được đi học, đi làm và khi ra đường phải có đàn ông đi cùng.
Hơn thế nữa, nền chính trị hỗn loạn trong thời điểm này khiến sự an toàn của phụ nữ luôn bị đe dọa. Họ có thể bị đánh đập, bị hiếp, bị bắt cóc,… nếu như đi 1 mình trên đường. Mọi quyền lợi của phụ nữ dường như bị đánh mất. Họ bị lệ thuộc hoàn toàn vào những người đàn ông.
Khaled Hosseini đã xây dựng nhân vật Mariam và Laila để nói lên thân phận người phụ nữ đầy bi thương lúc bấy giờ. Nếu như chiến tranh cướp đi nhà cửa và người thân của họ. Thì chế độ Hồ Giáo hà khắc của Taliban đã cướp đi quyền lòng tự tôn, sự tự do và quyền được sống đúng nghĩa như một con người.
Mariam và Laila được xây dựng như những người phụ nữ cam chịu, kiên cường và cố gắng sống sót trong thời buổi hỗn loạn. Nhưng sâu trong họ là niềm khát khao một cuộc sống hòa bình, được yêu thương và đối xử công bằng.
Ngàn mặt trời rực rỡ là một câu chuyện cảm động nhưng không rời xa thực tế, là tiếng nói thay cho hàng triệu phụ nữ ở Afghanistan. Khi mà những tin tức đến với thế giới về Afghanistan chung chung chỉ là chiến tranh, nội chiến và nền kinh tế đi xuống.
Xem thêm: Reivew sách Sau giờ học: Tác phẩm làm nên tên tuổi của Higashino Keigo
Những trang sách của Ngàn mặt trời rực rỡ thấm đẫm đầy máu, nước mắt và sự tủi nhục của 2 người phụ nữ. Những câu văn đau thương nhất có thể bóp nghẹt bất kỳ trái tim của độc giả nào khi tìm đến cuốn tiểu thuyết này. Dù vậy, Ngàn mặt trời rực rỡ vẫn là một cuốn tiểu thuyết cực kỳ đáng đọc. Đọc để biết về Afghanistan, về những bất công mà người dân nơi đây phải hứng chịu, về sự bất bình đẳng vẫn còn đang tồn tại ngay trong chính thời buổi hiện đại này.
Năm 2001, chế độ Taliban sụp đổ, người dân Afghanistan được sống trong hòa bình, nền kinh tế chính trị được cải cách dưới sự hỗ trợ của chính phủ Mỹ. Ngày 31/8/2021, Mỹ rút quân khỏi Afghanistan. Một lần nữa chính quyền Afghanistan thuộc về tay Taliban. Những người dân Afghanistan lại chịu sự áp đặt của luật Hồi Giáo hà khắc. Thật đau lòng khi biết những người phụ nữ ở Afghanistan dù đã ở trong thế kỷ 21 sẽ 1 lần nữa phải chịu những bất công, cay đắng và thiệt thòi.
Tapchireview’s rating: 4.5/5
Review Ngàn mặt trời rực rỡ