Perfect Blue (1997) là bộ anime kinh dị tâm lý được đạo diễn bởi Kon Satoshi. Bộ phim khai thác về chủ đề “đa nhân cách” được xem là nguồn cảm hứng cho các tác phẩm kinh điển sau này như Black Swan hay Inception. Kể từ khi ra mắt năm 1997, Perfect Blue đã tạo được sức ảnh hưởng lớn đến nền điện ảnh thế giới cùng vô số đánh giá có cánh đến từ các nhà phê bình phim. Tuy nhiên, đối với khán giả đại chúng thật khó để có thể hiểu hết toàn bộ Perfect Blue trong lần xem đầu tiên. Hãy cùng Tạp Chí Review đánh giá và phân tích chi tiết bộ anime này trong bài viết dưới đây nhé!
- Thời lượng: 81 phút.
- Ngày phát hành: Tháng 7, 1997.
- Đạo diễn: Kon Satoshi.
- Kịch bản: Murai Sadayuki.
- Hãng sản xuất: Madhouse.
- Thể loại: Anime.
- IMDp: 8/10
- TOMATOMETER: 80%
- AUDIENCE SCORE: 89%
Giới thiệu “Perfect Blue”
Perfect Blue theo chân Kirigoe Mima, ca sĩ chính của nhóm nhạc thần tượng J-pop tên “CHAM” gồm có 3 thành viên. Nhóm nhạc “CHAM” dường như không còn đủ sức ảnh hưởng với khán giả đại chúng và không mang về lợi nhuận cho công ty. Theo mong muốn của công ty quản lý và của chính mình, Mima quyết định tách khỏi nhóm nhạc để chuyển sang làm diễn viên.
Vai diễn đầu tiên của Mima chính là bộ phim tâm lý tội phạm “Double Bind” (thông điệp kép). Tuy nhiên, nhân vật của Mima trong phim không có nhiều đất diễn để thể hiện tài năng. Đoàn làm phim quyết định rẽ hướng để làm nổi bật nhân vật của Mima hơn. Điều này đồng nghĩa với việc Mima phải đóng những phân cảnh táo bạo hơn. Cảnh nhân vật bị cưỡng hiếp tập thể trong một câu lạc bộ thoát y. Mặc cho sự phản đối của Rumi – quản lý của Mima, cô vẫn quyết định thực hiện cảnh quay này. Mong muốn của Mima chính là chứng minh thực lực của mình cho khán giả thấy trong vai trò mới. Tuy nhiên, cảnh phim này vẫn khiến tâm lý của Mima bị ảnh hưởng nặng nề. Sự kiện cũng đánh dấu hình tượng ngôi sao nhạc pop thuần khiết, trong sáng trước đây của Mima hoàn toàn bị xóa bỏ.
Ngay từ khi bước sang con đường diễn viên, Mima đã gặp rất nhiều vấn đề xung quanh cuộc sống của cô. Đầu tiên, những fan của Mima khi cô làm ca sĩ cảm thấy buồn bã và cho rằng cô là kẻ phản bội. Một số bức thư đe dọa đã được gửi đến. Mima bị theo dõi bởi một tên fan cuồng biến thái trước đây là bảo vệ trong buổi biểu diễn của cô. Tên fan cuồng này bị ám ảnh bởi hình tượng nữ ca sĩ nhạc pop của Mima và trở thành một Stalker (kẻ chuyên theo dõi lén lút một đối tượng). Cùng lúc này, Mima phát hiện ra một trang web có tên là “phòng của Mima” giống như một cuốn nhật ký nói về cuộc sống của cô. Điều đáng sợ, trang web viết rõ tường tận đến từng chi tiết về sinh hoạt hàng ngày của cô khiến cô tin rằng chính Stalker là kẻ theo dõi và viết những thông tin trên đây.
Trang web còn đổ lỗi cho những nhà làm phim rằng họ đã bắt ép Mima quay cảnh bị cưỡng hiếp và tước đoạt hình tượng trong sáng, ngây thơ của cô trước đây. Câu chuyện ngày càng phức tạp hơn khi tên biên kịch của bộ phim “Double Bind” bị sát hại. Tiếp theo đó, tay chụp ảnh Mima khoả thân cũng bị chết không rõ nguyên nhân. Quá nhiều áp lực cùng nhiều sự kiện khó hiểu, Mima bắt đầu nghi ngờ về lựa chọn làm diễn viên của mình. Cô thường xuyên thấy những ảo giác về một bóng ma Mima mặc đồ giống khi cô còn làm idol ca sĩ. Mima dần dần không còn phân biệt được giữa những ảo giác và đời thực.
Bộ phim “Double Bind” cô đang đóng lại rất giống với thực tế mà Mima đang phải trải qua. Nhân vật trong phim là người đa nhân cách và Mima nghĩ rằng cô thực sự cũng đang mắc phải căn bệnh này ở ngoài đời thực. Chính vì vậy, Mima cho rằng có lẽ Stalker chỉ là do cô tự tưởng tượng còn những thông tin chia sẻ trên trang web “phòng của Mima” chính là do một nhân cách khác của cô viết ra. Suy nghĩ này của Mima ngày càng được củng cố hơn khi tần suất cô thấy ảo giác về bóng ma Mima ngày càng nhiều hơn.
Mặt khác, một kẻ có tên là Me-Mania thường xuyên gửi mail cho Stalker. Me-Mania nói rằng cô ta mới là Mima thật sự còn Mima đang làm diễn viên là kẻ giả mạo. Với một kẻ cuồng Mima như Stalker gã nhanh chóng tin vào sự dẫn dắt của Me-Mania. Kết quả, trong buổi quay phim cuối cùng, Stalker đã tấn công Mima sau hậu trường. 2 người xảy ra xô xát và Mima đã dùng một cái búa giết chết Stalker. Sau đó, Mima được người quản lý Rumi trấn an và đưa về nhà. Điều kỳ lạ, khi tỉnh dậy, Mima thấy căn phòng của cô giống hệt với căn phòng của Mima idol trước đây. Trong tủ đồ, cô còn tìm thấy được một bộ quần áo dính đầy máu. Có lẽ nào chính nhân cách còn lại trong Mima đã giết chết cả vị biên kịch và diễn viên? Sự thật từ đây mới dần dần được hé lộ.
Giải thích “Perfect Blue”
(Đoạn review sẽ tiết lộ một số tình tiết của phim, hãy xem phim trước khi đọc để giữ được trọn vẹn cảm xúc nhé)
Dù nhận được rất nhiều đánh giá cao, “Perfect Blue” chắc chắn sẽ khiến nhiều khán giả rối não trong lần xem phim đầu tiên. Bởi lẽ, bộ phim nói về chủ đề “đa nhân cách” nhưng góc nhìn lại không được đặt trực diện vào người bệnh. Chúng ta bị đánh lừa rằng Mima chính là người đa nhân cách và khán giả chỉ có thể nhìn thấy những gì Mima cũng thấy. Thực chất chính cô trợ lý Rumi mới là người bệnh mà chúng ta vô tình bỏ qua.
Vì sao chúng ta bỏ qua Rumi? Đó là cách đạo diễn xây dựng hình ảnh các nhân vật trong mắt Mima và cả người xem. Rumi hiện lên với nhiều mặt tích cực, không chỉ là cô quản lý chuyên nghiệp, Rumi có lẽ còn là người bạn duy nhất để Mima tâm sự hết mọi chuyện. Nếu để ý ngay từ ban đầu thì chỉ có mỗi Rumi là người hiểu rõ Mima nhất và cô cũng rất rành về máy tính. Đó là những chi tiết để chứng minh rằng trang web “phòng của Mima” do Rumi lập lên với mục đích tấn công tâm lý Mima.
Lý giải cho những hành động này là do trước đây Rumi cũng từng là idol nhạc pop nhưng không thành công. Cô bị ám ảnh bởi ánh đèn hào quang sân khấu nên cô áp đặt những kỳ vọng này của mình vào Mima. Bằng chứng là Rumi nhiều lần phản đối Mima làm diễn viên, cô đã khóc chạy ra ngoài khi trông thấy Mima phải đóng cảnh quay bị cưỡng hiếp.
Rumi cùng là kẻ chủ mưu giết chết tay biên kịch và diễn viên. Những kẻ mà cô cho rằng đã làm vấy bẩn hình tượng trong sáng, hồn nhiên của Mima. Với những nỗ lực để kéo Mima quay lại làm ca sĩ nhưng không thành công, con người Rumi đã tự hình thành một nhân cách khác đó là nhân cách “Mima idol”. Nhân cách này ngày càng chiếm ưu thế và cho rằng Mima thực sự là Mima giả và cần phải loại bỏ cô ta.
Chính Rumi cũng là Me-Mania – kẻ thường gửi mail cho Stalker và xui khiến anh ta giết Mima. Khi Stalker bị Mima thật giết, Rumi đã thu dọn xác Stalker hộ Mima và khiến Mima nghĩ rằng chuyện giết người vừa rồi lại là một ảo giác khác. Nói về ảo giác, những ảo giác của Mima có lẽ do Rumi đã chuốc thuốc cô trước và khi mỗi lần Rumi muốn giết người. Nó thể hiện rõ ở những phân cảnh khi Rumi đưa cho Mima uống những ly nước kỳ lạ. Khi Stalker giết Mima không thành, Rumi đã quyết định ra tay bằng cách đưa Mima về căn phòng của mình đã được trang trí rất giống phòng của Mima idol.
Rumi từ đây mới lộ nhân cách Mima idol khi cô mặc trang phục của Mima idol trước đây và đứng trước mặt Mima thật. Đạo diễn đã dùng một cảnh quay rất hay để nói về nhân cách thực sự của Rumi đó là dùng chiếc gương phản chiếu: Bên ngoài Rumi tưởng tượng mình là Mima idol nhưng khi phản chiếu vào gương cô chính là Rumi. Mima thật ngay lập tức hiểu ra Rumi là kẻ đã giết những người kia và góp phần tạo ra những ảo giác đối với cô. Rumi rượt đuổi Mima để giết cô, thế nhưng khi đứng trước ánh đèn ô tô, Rumi nhầm tưởng đó là ánh đèn sân khấu, cô đứng chắn trước xe và dang rộng đôi tay. Mima đã kịp thời cứu cô.
Kết phim Rumi phải vào viện điều trị tâm thần, nhân cách Mima idol đã hoàn toàn chiếm lấy con người cô. Còn Mima đã thành một ngôi sao nổi tiếng và đầy tự tin. Mima đã nói với bác sĩ rằng “ Nhờ có Rumi, tôi mới có ngày hôm nay”. Cô đã nói trong gương chiếu hậu rằng “Tôi là thật đấy”. Đây có thể được xem là câu trả lời cho sự hoài nghi của 2 người y tá và cũng là câu Mima khẳng định cô đã được làm chính mình và không còn bị các ảo giác chi phối nữa.
Xuyên suốt cả bộ phim, các nhà làm phim sử dụng chiếc gương để phản chiếu nhân cách đang hiện diện của mỗi người. Trong cảnh cuối, Rumi đứng trước gương và trong gương là nhân cách Mima idol. Đoạn này sử dụng ánh sáng trắng cho cả các khung cửa sổ và cả tấm gương phản chiếu Mima idol. Ánh sáng đó có thể được xem là đại diện của ánh đèn sân khấu. Dụng ý chính là cho thấy rằng Rumi vẫn đang sống trong những “ảo ảnh” của mình. Còn ngược lại, khi Mima soi mình trong gương chiếu hậu, cô vẫn là cô, ánh sáng trắng chỉ nằm ở phía sau băng ghế xe còn phía trước cô là bầu trời xanh rực rỡ. Có thể kết luận rằng, cuộc sống Rumi có ảo ảnh ở phía trước còn thực tế ở phía sau. Ngược lại, Mima có thực tế ở phía trước còn ảo ảnh thì đã nằm lại ở sau.
Chắc chắn bạn đang thắc mắc là Mima đã trở nên nổi tiếng nhưng là với vai trò diễn viên hay trở lại làm ca sĩ. Nếu bạn theo dõi chi tiết trong bộ phim Double Bind mà Mima đóng có một cảnh nhân vật của Mima nhìn vào tấm kính và nói rằng “ Đúng vậy. Tôi là một nữ diễn viên / người mẫu”. Đó là cảnh báo trước cho thực tế của Mima ở cuối phim, cô đã theo con đường diễn viên và phát triển thêm trong lĩnh vực người mẫu. Ngay từ đầu phim, chúng ta bị những ảo ảnh đánh lừa rằng Mima cảm thấy hối hận vì đã quay sang con đường diễn viên. Nhưng thực tế, lúc Mima còn tỉnh táo cô vẫn luôn vững tin vào lựa chọn làm diễn viên của mình. Chính Rumi mới là người tạo ra cho cô những ảo giác để cô tưởng rằng cô không phù hợp với nghề diễn viên và nên quay lại làm ca sĩ. Thành công của Mima trong vai trò diễn viên ở cuối phim là lời giải thích phù hợp nhất cho toàn bộ câu chuyện.
“Perfect Blue” tấn công cảm xúc của người xem như thế nào?
Dù phim không sử dụng yếu tố jumpscaresđể hù dọa như phần lớn các phim kinh dị ngày nay. “Perfect Blue” vẫn tạo một bầu không khí sợ hãi, ngột ngạt cho người xem phim. Các yếu tố jumpscares làm cho khán giả cảm thấy giật mình và thót tim trong một khoảnh khắc khi họ bị hù dọa nhưng nó sẽ nhanh chóng mất sau đó. Còn đối với “Perfect Blue”, bộ phim kéo bạn vào những trải nghiệm của nhân vật chính Mima, thao túng tâm trí của bạn và tạo áp lực cho tâm lý theo cấp độ tăng dần. Càng về cuối phim chắc chắn người xem lại càng cảm giác hoang mang, hồi hộp và kinh hãi hơn.
“Perfect Blue” tấn công cảm xúc người xem bằng việc đặt họ vào chính vị trí của Mima. Người xem sẽ trải qua những chuyện mà Mima trải qua, thấy những gì mà Mima thấy. Mima sống ngoài ánh sáng, còn sự thật thì giống như ở trong màn đêm. Một cảnh quay rất dễ để thấy sự sợ hãi của Mima đó là khi cô nhận thấy mình bị theo dõi bằng fax nặc danh, Mima đã đóng lại rèm cửa sổ phòng mình. Máy quay zoom ra phía xa rồi để phòng của Mima ở giữa trong khung hình như thể hiện từ lâu Mima đã luôn nằm trong tầm theo dõi của một kẻ biến thái nào đó.
Tâm lý Mima bị tấn công theo từng cấp độ tăng dần. Đầu tiên, cô cảm thấy buồn với những lời chỉ trích từ fan hâm mộ. Hơn nữa, vì vừa bước chân vào con đường diễn viên, Mima đã phải đóng cảnh quay bị cưỡng hiếp. Một khung cảnh với hàng tá đàn ông vây quanh, Mima nằm giữa dường như chỉ khoác lên mình một tấm vải bị họ sờ soạng hết lần này đến lần khác cho đến khi đạo diễn hô cắt. Đây là sự khiến tấn công tâm lý Mima và cả người xem rất lớn. Tiếp theo, cô có phần sợ hãi khi cuộc sống của mình bị đe dọa bởi Stalker. Stalker luôn luẩn quẩn ở bất kỳ mọi nơi Mima đến và có thể tấn công cô bất kỳ lúc nào. Tâm lý của Mima ngày càng chịu nhiều áp lực hơn khi bóng ma Mima idol xuất hiện, cô dần lẫn lộn giữa ảo giác với hiện thực. Nhiều sự kiện ngày càng nặng nề hơn khiến Mima tin rằng cô bị đa nhân cách và cảm giác đó cũng được truyền tải vào người xem. Có thể nói, toàn bộ phim tâm lý Mima phải chịu sự chi phối bởi từ 4 phía: ảo giác của bản thân, sự dẫn dắt của Rumi, cảm giác ở hiện thực và vai diễn của cô trong Double Bind.
Bên cạnh đó, màu phim cũng là một điểm rất ấn tượng trong “Perfect Blue”. Toàn bộ phim sử dụng tông màu đỏ. Màu đỏ xuất hiện giống như để cảnh báo về nguy hiểm của Mima. Càng về cuối phim, màu đỏ càng đậm và chiếm phần lớn khung hình hơn.
Tựa đề “Perfect Blue” không được dịch là “Màu xanh hoàn hảo” mà ở đây lại có nghĩa là màu xanh của ảo giác. Rất nhiều đồn đoán phía sau tên gọi của bộ phim. Tuy nhiên, đạo diễn Satoshi Kon lại nói rằng ông sử dụng cái tên “Perfect Blue” theo cuốn tiểu thuyết gốc của nhà văn Yoshikazu Takeuchivà không hề có bất kỳ dụng ý nào. Sử dụng màu xanh để nói về ảo giác có thể là do khi mắt chúng ta nhìn vào màu xanh quá lâu sẽ dần chuyển sang màu đỏ, màu xanh cũng rất dễ bị nhầm lẫn và lu mờ khi đặt cùng những màu sắc khác. Nó đại diện cho những ảo giác mà Mima phải trải qua đồng thời cũng là màu sắc ảo giác hoàn hảo mà nhân cách Mima idol trong Rumi luôn tưởng tượng.
Thế giới thần tượng trong “Perfect Blue”
Kon Satoshi là nhà làm phim có tầm nhìn xa đi trước thời đại. Dù bộ phim được viết từ thế kỷ trước những giá trị của chúng vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Đó là văn hóa thần tượng, văn hóa đã và đang xuất hiện ở mọi quốc gia. Ở Nhật Bản, phong trào thần tượng đã bắt nguồn từ những năm thập niên 70, 80 với các nhóm nhạc quen thuộc như: Sannin Museme, Shin – Kosange, Candies,… Các idol bắt buộc phải xây dựng một hình tượng theo đúng công ty chủ quản đề ra và không được phép có những hành động khác xa với hình tượng đó.
Anime “Perfect Blue” có một số chi tiết được thay đổi so với cuốn tiểu thuyết gốc. Kon Satoshi muốn “Perfect Blue” đi sát với hiện thực của cuộc sống thần tượng hơn. Vị đạo diễn này từng nói rằng “Mima là một thần tượng, phải có kẻ rình rập vào bạo lực trong phim”.
Phân cảnh ở đầu phim đã phần nào thâu tóm về thế giới thần tượng ở Nhật Bản lúc bấy giờ và chủ đề cho toàn bộ “Perfect Blue”. Sau buổi biểu diễn trực tiếp của 3 nhân vật siêu nhân, nhiều khán giả đã nhận xét rằng “Khác trên tivi quá, rẻ tiền thật”. Điều này chứng tỏ các nhân vật trên tivi đều được xây dựng một cách hoàn hảo quá mức khiến nhiều fan hâm mộ khó có thể chấp nhận họ ở một phiên bản thực tế. Mặt khác, nhiều fan hâm mộ lại “thần tượng hóa” idol của mình. Họ tôn vinh những idol như những vị thần hoàn hảo và khó có thể chấp nhận nếu họ xuất hiện dưới hình dáng của một người bình thường.
Có 1 fan đã nói rằng “Nếu nhìn từ góc độ doanh nghiệp thì cũng phải thôi. Idol không hái ra được lắm tiền. Đây gọi là lột xác à?”. Trong phim có thể thấy, công ty quản lý muốn Mima chuyển hướng sang làm diễn viên với mục đích tăng cao lợi nhuận. Một góc nhìn rất thực tế vì để duy trì một công ty quản lý idol thì lợi nhuận sẽ luôn luôn được đặt lên hàng đầu. Nhưng mặt khác, họ không còn mấy quan tâm đến cảm xúc của chính idol đã kiếm tiền về cho họ.
Văn hóa thần tượng ở thời đại Nhật Bản bấy giờ và thậm chí là kéo dài cho đến thực tại hiện rõ trong “Perfect Blue”. Các fan hâm mộ không đơn giản chỉ là muốn thưởng thức những tác phẩm của thần tượng nữa mà họ còn muốn kiểm soát cả cuộc sống riêng tư. Điều này vô tình đã tạo nên những áp lực vô hình đối với idol. Trong thực tế, rất nhiều idol đã phải giải nghệ, thậm chí là tự sát vì không thể chịu nổi những tấn công từ dư luận. Có lẽ, dù là ở Nhật Bản, Việt Nam,… dù là ở thời điểm nào chúng ta vẫn cần phải có một chuẩn mực rõ ràng hơn để idol có thể sống đúng với đam mê của mình và tự do với cuộc sống của một người bình thường.
Giá trị nghệ thuật trong “Perfect Blue”
Đối với cá nhân mình, mình cực kỳ yêu thích những bộ phim anime được vẽ bằng tay. Nó tạo một cảm giác gần gũi, chân thực đến kỳ lạ. Chất lượng đổ bóng, animation trong “Perfect Blue” rất tốt. Phim tạo nên những thước hình hút mắt, nghệ thuật mà ngay cả những bộ phim digital hiện đại ngày nay cũng khó có thể thực hiện được. “Perfect Blue” được thực hiện bằng phim vật lý 35mm. Nếu để ý kỹ bạn sẽ thấy khung hình ở 2 bên bị rung lắc. Đây cũng là một điểm mà mình thấy rất phù hợp với “Perfect Blue” để truyền tải cảm giác hoang mang, lo lắng của Mima trọn vẹn nhất.
Một cảnh phim đậm tính nghệ thuật đó là ở đoạn đầu khi tên bảo vệ Stalker đứng dưới khán đài, gã làm hình vòm tay đặt trước mắt. Toàn bộ ánh nhìn của gã đặt vào Mima còn Mima thì lại nằm gọn trong lòng bàn tay của gã dù cô có cố gắng di chuyển bất kỳ vị trí nào đi chăng nữa. Cảnh này không cần bất kỳ một lời thoại nào của Stalker nhưng khán giả vẫn cảm thấy kinh hãi hắn là vì ám ảnh sở hữu mà hắn đặt lên người của Mima.
Trong phim, có rất nhiều chi tiết chứng tỏ Rumi đang cố gắng để loại bỏ Mima và thay thế cô bằng nhân cách Mima idol. Thế nhưng, phải khi xem lại rất nhiều lần thì mình mới có thể để ý hết được những chi tiết này. Một cảnh quay khác mà mình thấy rất ấn tượng ở phút 57 của bộ phim. Khi Rumi đến để giết tay nhiếp ảnh đã chụp những bức ảnh khỏa thân Mima. Lúc Rumi giơ tay để đâm nhiều nhát vào tay nhiếp ảnh thật tình cờ là máy chiếu phát lên hình ảnh Mima. Nó thể hiện Rumi đang giết tay nhiếp ảnh bằng nhân cách Mima idol. Rumi có lẽ đã đeo một chiếc mặt nạ giống hệt khuôn mặt của Mima hoặc hóa trang giống Mima. Satoshi Kon đã cho chúng ta biết được điều này thông qua hình ảnh chiếc mặt nạ kịch Noh bị bắn đầy máu.
Cái hay của Kon Satoshi là việc ông cho xen lẫn các cảnh giữa thực tế và ảo giác của Mima để đánh lừa tâm lý người xem. Sau cảnh Rumi giết tay nhiếp ảnh gia là cảnh Rumi choàng tỉnh dậy và nhìn vào lòng bàn tay. Cảnh này khiến khán giả nghĩ rằng chính Mima là kẻ giết người. Thế nhưng, nếu bạn để ý trước đó Mima đã bóp nát cái cốc và tay cô đã bị thương. Các sự kiện trong bộ phim Double Bind còn giống hệt với các sự kiện trong Perfect Blue và được Satoshi Kon lồng ghép vào nhau liên tục làm khán giả không có thời gian để phân biệt giữa đâu là phim và đâu là thực tế của Mima. Như khi đạo diễn Double Bind bảo Mima tập thở dốc ở một cảnh phim, Mima đã ngất lịm. Cảnh quay chuyển về Perfect Blue khi Mima giết Stalker chính ở vị trí mà cô đã tập cảnh phim của Double Bind. Sau đó, Mima nhận được sự tán thưởng của các thành viên trong đoàn làm phim về việc diễn xuất ở phân đoạn này.
“Perfect Blue” sở hữu một cốt truyện ấn tượng, những khung hình nghệ thuật đẹp đẽ cùng một vấn đề đậm tính xã hội “văn hóa thần tượng”. Dù là bộ phim được thực hiện ở thế kỷ trước, “Perfect Blue” vẫn là tượng đài anime kinh dị tuyệt vời nhất trong nền điện ảnh thế giới mãi cho đến ngày hôm nay.
Review phim Perfect Blue
Tapchireview’s rating: 10 /10