Dạo gần đây, cộng đồng mạng đang nổi lên với những ý kiến trái chiều về bài văn 10 điểm có lấy dẫn chứng về cuộc đời của nhân vật Gatsby với đại ý là mẫu người “làm ra đất nước”. Tạm gác lại bài văn điểm 10 kia, bài viết này sẽ tập trung phân tích tác phẩm Đại gia Gatsby và làm rõ quan điểm “Gatsby là ai? Gatsby có xứng đáng với danh xưng “người làm ra đất nước” hay không nhé?

Đại gia Gatsby là cuốn tiểu thuyết kinh điển được sáng tác bởi nhà văn F.Scott Fitzgerald. Cuốn sách nhận được nhiều đánh giá cao từ giới chuyên môn và được đưa vào giảng dạy chính thức tại các trường phổ thông và đại học trên thế giới. Đại gia Gatsby đứng thứ 2 trong danh sách 100 Tiểu thuyết Hay nhất Thế kỷ 20 của Mordern Library và nằm trong danh sách 100 tiểu thuyết hay nhất bằng tiếng Anh từ năm 1923 đến 2005.

Đại gia Gatsby được chuyển thể thành bộ phim cùng tên phát hành vào năm 2013 dưới bàn tay của đạo diễn Baz Luhrmann. Vai diễn Gatsby được trao cho nam tài tử Leonardo DiCaprio. Bộ phim đã mang lại thành công vang dội với doanh thu lên đến 350 triệu USD (2014) cùng với 2 giải thưởng danh giá tại lễ trao giải Oscar: Chỉ đạo nghệ thuật xuất sắc nhất và Thiết kế trang phục đẹp nhất.

dai-gia-gatsby

Cuốn tiểu thuyết viết về câu chuyện cuộc đời của Jay Gatsby được kể lại dưới góc nhìn của người hàng xóm, bạn tâm giao của ông là Nick. Cùng với đó chính là bức tranh hiện thực sống động về một xã hội Mỹ vào những năm 1918 – 1929 được F.Scott Fitzgerald đặt cho cái tên mỹ miều “Thời đại Jazz” và lời cảnh tỉnh về “giấc mơ Mỹ” đang ấp ủ trong suy nghĩ của hàng triệu người Mỹ thời đại đó và cả sau này.

“Thời đại Jazz” trong đại gia Gatsby được miêu tả như thế nào?

Jazz là âm nhạc có nguồn gốc từ cộng đồng người châu Phi ở Hoa Kỳ, bắt đầu vào những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Jazz nhanh chóng trở thành trào lưu âm nhạc với phong cách độc lập xuất hiện thường xuyên trong những buổi tiệc, gặp mặt của giới thượng lưu.  Bản nhạc Jazz nghe có vẻ bắt tai, cuốn hút đó nhưng cũng lại dễ dàng làm con người ta chìm vào những mổng tưởng xuôi theo những giai điệu mượt mà đó. Cũng như xã hội nước Mỹ thời bấy giờ vậy, hào nhoáng, xa hoa ở bên ngoài khiến bất kỳ ai cũng muốn “hưởng thụ” những “lợi ích” trước mắt mà bỏ mặc giá trị con người đã và đang mai một theo thời gian. Những năm 1918 – 1929, một thời đại phồn vinh của Mỹ cùng với vô số “cơ hội vàng” xảy đến với đất nước này. Nhưng chính những con số tăng trưởng nhảy vọt đó đã phần nào thay đổi tinh thần của cả một xã hội Mỹ. Chúng ta có thể thấy những ví dụ rõ ràng nhất ở những con người thời đại đó trong Đại Gia Gatsby.

>>> Xem thêm: Review sách Kiêu hãnh và định kiến

Phát triển kinh tế chóng mắt kéo theo hàng loạt những hệ lụy xấu. Khi con người có tiền, họ không ngừng hưởng thụ và mua sắm. Mua sắm thúc đẩy sản xuất. Sản xuất tăng, người ta lại kiếm được nhiều tiền hơn và họ lại mua sắm. Vòng lặp đó cứ lũy tiến và tăng dần lên theo nhu cầu không giới hạn của con người. Một xã hội đang không ngừng đẩy mạnh cung – cầu sẽ không tránh khỏi lạm phát, tham nhũng và những bê bối, lộn xộn. Tư tưởng hưởng thụ vật chất quá đà lúc nào cũng đi cùng với đạo đức suy đồi. Những con người trong đại gia Gatsby dù ít hay nhiều cũng đều thể hiện sự lệch lạc về đạo đức trên một khía cạnh nào đó. Chính phụ Mỹ đã gán sự suy đồi này là do bia rượu và họ bắt đầu ban lệnh cấm vào những năm 1919. Việc “cấm” như một con dao 2 lưỡi dành cho chính phủ lúc bấy giờ. Bằng chứng là việc buôn lậu rượu trở thành ngành nghề hái ra tiền cho vô số người và tạo nên không ít những đại gia trong một thời gian nhanh chóng, Gatsby chính là một ví dụ.

Về mặt xã hội, như Trịnh Lữ đã nhận xét: “Những năm 1920 đánh dấu của một thời kỳ của những thay đổi lớn, đặc biệt là phụ nữ. Để chứng minh mình đã được giải phóng, phụ nữ Mỹ bắt đầu cắt tóc ngắn, không mặc nịt vú và những thứ áo bó khác vẫn được dùng để làm nổi bật những đường nét cá tính của mình như ngày xưa, và họ bắt đầu công khai hút thuốc và uống rượu, đi đôi với hành vi tình dục bữa bãi và tư tưởng coi ngoại tình là tự nhiên, là thời thượng. Các nhân vật nữ trong The Great Gatsby đã phản ánh sinh động hiện tượng đổi thay này.”

Đại gia Gatsby – “người làm ra đất nước” hay chỉ là một “ kẻ cuồng si” trong tình yêu?

“Người làm ra đất nước” chưa từng có một chuẩn mực nào được đưa ra để củng cố và giải thích cho luận điểm này. Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân mình, một đất nước được hình thành dựa trên sự tồn tại của người dân. Trong một xã hội “đất nước” sẽ có người làm ra đất nước theo chiều hướng tích cực, nhưng cũng sẽ có người làm ra đất nước theo chiều hướng tiêu cực. Về mặt kinh tế, có lẽ, đại gia Gatsby đã đóng góc một phần không nhỏ của mình nhằm trong việc tăng trưởng GDP bình quân đầu người của Mỹ thời đại đó.  Tuy nhiên, về mặt đạo đức, không thể coi ông là một “tấm gương” hoàn hảo để những người dân Mỹ có thể noi theo.

Tất cả những gì về Gatsby được F.Scott Fitzgerald miêu tả là một người có xuất thân nghèo, trở về từ chiến trường và có cơ hội giàu có nhờ sự dẫn dắt Dan Cody – một cự phú với khối lượng tài sản kếch xù. Cùng với đó là những đoạn truyện nghi ngờ ông làm ăn phi pháp và cả buôn lậu rượu. Tuy nhiên, việc ông kiếm tiền và trở nên giàu có không hề được đề cập với mong muốn làm giàu đất nước. Tất cả những việc ông làm đều với mong muốn làm giàu cho bản thân và chứng tỏ mình với người tình Daisy.

dai-gia-gatsby

Nhân vật Daisy – Gatsby trong phim Đại gia Gatsby

5 năm trước ông không có được Daisy vì ông không có điều kiện chăm lo cho cuộc sống xa hoa của nàng. 5 năm sau ông trở lại với tư cách là một “đại gia” để mong muốn có được Daisy một lần nữa. Bất chấp cả thời điểm này Daisy đã có chồng và có con. Có thể thấy ông hoàn toàn mù quáng trong tình yêu, thứ ông muốn là tìm lại cảm giác trong con tim mình ở quá khứ mà quên mất thực tại đã thay đổi khác nhiều.

“Ông nói rất nhiều về quá khứ và tôi dần hiểu ra rằng ông muốn tìm lại một cái gì đó, có thể là nhớ lại chính con người của mình, cái con người đã đem lòng yêu Daisy ngày ấy”

Cái chết đột ngột của ông đã mang đến lời giải đáp cho tất cả. Suy cho cùng chỉ có mình ông giữ cho mình những hoài niệm và cố chấp. Cả một cuộc đời gây dựng cho tình yêu để rồi trở thành vật thế thân cho chính tình yêu của mình.

Có lẽ Daisy không yêu ông nhiều như ông nghĩ. Bởi lẽ, Daisy cũng như bất kỳ cô gái nào lúc bấy giờ, chạy theo những người đàn ông hào hoa (Gatsby) nhưng cũng giữ an toàn cho mình với sự ổn định (Tom). Bằng chứng là, Daisy đã chọn Tom để kết hôn vì cô bị thu hút bởi sự ổn định và đầy đủ cả về vật chất lẫn địa vị trong xã hội của anh. Daisy không ly hôn Tom khi gặp Gatsby vì cô níu kéo sự thanh cao và ổn định mà Tom mang lại. Có lẽ cô cũng chỉ tìm kiếm sự mới lạ, sự mãnh liệt, sự thời thượng trong cuộc tình vụng trộm mà Gatsby mang lại. Hơn hết cả, cô vẫn bên cạnh Tom cùng Tom chuyển nhà đi nơi khác là lời hồi đáp rõ ràng nhất cho tình yêu mà Gatsby đang chờ đời.

Click để mua sách Đại gia Gatsby đang GIẢM GIÁ tại TIKI

Click để mua sách Đại gia Gatsby đang GIẢM GIÁ tại SHOPEE

Một cuộc đời được người đời trầm trồ nhiều đến thế, bàn tán nhiều đến thế, nhưng đến lễ tang của mình thật thảm hại và xót xa vì chẳng có lấy một người tiễn đưa. Câu chuyện của cuộc đời ông cũng nhanh chóng bị lãng quên và chẳng còn để lại dấu ấn gì trên trần thế. Cái chết của Gatsby là lời cảnh tỉnh cho những con người vẫn đang ấp ủ “giấc mơ Mỹ”. Những con người dành cả cuộc đời để chạy theo đồng tiền, sự hào nhoáng, phù phiếm và sống trên “cái tôi” được gây dựng qua hàng loạt những mối quan hệ vụ lợi, thiếu tình người và sự sẻ chia. Một cuộc đời giàu sang, dư thừa vật chất nhưng cô độc và thiếu thốn tình người. Để lại vẫn là một cái kết bi thương cho cuộc đời của đại gia Gatsby, một cuộc đời hỗn loạn, cô độc và luôn luôn phải đứng sau tình yêu, mơ tưởng về tình yêu nhưng lại chưa bao giờ nắm bắt được nó.

Sau cùng vẫn chỉ có một điều luôn đúng đắn “Gatsby chỉ là đại gia. Người tạo ra Gatsby mới thực sự vĩ đại”  – Trịnh Lữ.

 (Bài viết dựa trên quan điểm của tác giả)

Còn bạn, bạn nghĩ sao về nhân vật Gatsby, hãy để lại chia sẻ của mình ngay dưới bài viết này nhé!

Review sách Đại gia Gatsby

Tapchireview’s rating: 4.5/5