“Nhưng thầy Harfan vẫn luôn cần mẫn cố gắng thuyết phục những đứa trẻ ấy rằng học thức thể hiện lòng tự trọng, rằng giáo dục thể hiện lòng sùng kính đối với đấng tạo hóa, rằng học tập không phải lúc nào cũng buộc chặt với những mục tiêu như lấy được bằng cấp hay trở nên giàu có. Học tập là cao quý, là ca tụng nhân bản, là niềm vui khi được cắp sách tới trường và là ánh sáng văn minh. Đó là định nghĩa hết sức thú vị về giáo dục của thầy Harfan.” Chiến binh cầu vồng

Ngôi trường làng nghèo khó Muhammadiyah

Chiến binh cầu vồng là một câu chuyện cảm động kể về những trải nghiệm tuổi thơ có thật của tác giả Andrea Hirata tại ngôi trường làng nghèo khó Muhammadiyah, đảo Belitong, Indonesia, những năm thập niên 80. Belitong – Hòn đảo luôn được gắn liền với sự giàu sang mỗi khi có một ai đó nhắc đến. Thế nhưng, sự giàu có đó chỉ xuất hiện ở những đồn điền khai thác thiếc và kim loại của công ty PN. Còn sự nghèo đói thì vẫn luôn thường trực mỗi ngày ở cộng đồng gia đình người Mã Lai bản địa. 

Cuộc sống nghèo khổ, thiếu thốn về mọi mặt đã khiến những đứa trẻ Mã Lai tin rằng tương lai của chúng chính là tiếp nối công việc làm cu li, làm thuê và bốc vác chứ không phải là cắp sách đi học như những đứa nhà giàu, con của nhân viên PN. Bởi lẽ, thay vì mất một buổi để đi học, chúng có thể nạo dừa, đóng thuyền, bán bánh, hái tiêu,… Những công việc đó sẽ mang đến cho bọn chúng tiền, và tiền chính là công cụ để chúng có thể mua được đồ ăn cho gia đình và trang trải cho cuộc sống hàng ngày.

Chính lối tư tưởng đã ăn sâu qua nhiều thế hệ như thế cùng sự nghèo đói luôn thường trực trở thành bức tường vững chắc ngăn cách đám trẻ Mã Lai đến với nền giáo dục. Thế nhưng, giữa hàng nghìn người Mã Lai trên đảo Belitong vẫn có những bậc phụ huynh tin rằng học tập chính là con đường sáng suốt nhất để con em mình có thể thay đổi vận mệnh của nó và may mắn hơn là của cả gia đình. Đó là lý do vì sao 9 cô cậu nhóc đã có mặt ở buổi lễ khai giảng của ngôi trường làng Muhammadiyah.
Ngôi trường Muhammadiyah nghèo nàn nay còn trông thảm hại hơn vì không có đủ 10 học sinh trong ngày khai giảng – số học sinh tối thiểu để duy trì việc dạy học của trường. Vào những giờ phút cuối cùng, sự xuất hiện của cậu bé thiểu năng trí tuệ Harun đã giúp trường Muhammadiyah may mắn thoát khỏi nguy cơ đóng cửa.

chien-binh-cau-vong

Chiến binh cầu vồng: Linh hồn chân chính của giáo dục

Có lẽ so với khó khăn đến từ nghèo đói, quãng đường dài đến trường 40Km, đầm lầy cá sấu, lời đe dọa đóng cửa trường của thanh tra Samadikun hay những chiếc máy xúc PN đang trực chờ san bằng trường bất kỳ lúc nào,… thì rào cản lớn nhất đối với 10 đứa trẻ của trường Muhammadiyah là sự thiếu tin tưởng vào sức mạnh của giáo dục và sự tự ti. 

Chúng tự ti ghê gớm bởi sự phân biệt đối xử trong môi trường mà chúng đang sống. Rằng việc học hành dường như chỉ dành riêng cho những đứa trẻ nhà giàu. Còn tương lai của chúng sớm đã buộc chặt với những đồn điền tiêu và các nhà máy khai thác thiếc,… Chúng không dám mơ đến một nghề nghiệp ổn định vì thực ra chúng còn chẳng biết có những ngành nghề như vậy trên đời. 

Nhưng chính thầy hiệu trưởng Harfan và cô Mus đã dẫn lối đám trẻ Mã Lai khỏi những tư tưởng sáo mòn, bảo vệ chúng khỏi những khó khăn và tiếp thêm cho chúng dũng khí để một lần nữa có thể tin tưởng vào giáo dục. 2 con người vĩ đại đó đã khơi gợi niềm ham học và động viên học trò rằng không bao giờ được đầu hàng trước gian khổ và thử thách.

Thầy Harfan – người thầy già nua, người đặt cây cột trụ gỗ đầu tiên cho ngôi trường Muhammadiyah. Con người dành cả cuộc đời của mình trong nghèo túng nhưng chưa từng từ bỏ nỗ lực thuyết phục từng đứa học trò nghèo đến trường. Đối với thầy, việc dạy học không phải để lấy thành tích, để làm giàu hay được nổi tiếng. Giáo dục với thầy chỉ đơn giản là có thể giúp những đứa trẻ nghèo tiếp cận với nền tri thức thực sự. Và hơn cả thể, thầy mong rằng chúng sẽ có được những giây phút thoát khỏi hiện thực xã hội nghiệt ngã và tìm thấy thấy niềm vui khi được cắp sách đến trường. 

Mus – Người giáo viên chỉ mới vừa tròn 16 tuổi với dáng người nhỏ nhắn nhưng lại có một sức mạnh kỳ diệu. Với học thức ở thời đó, cô Mus đáng nhẽ sẽ tìm được một công việc với mức lương tốt hơn thay vì chẳng được một đồng lương nào ở Muhammadiyah. Nhưng mong muốn lớn nhất của cô chỉ là làm sao có thể mang con chữ đến nơi nghèo khó nhất của Belitong. Đối với cô Mus, mất một đứa học trò cũng chẳng khác nào mất một nửa linh hồn vậy. Chính cô đã thắp lên những ngọn lửa quyết tâm đầu tiên trong lòng những học trò nhỏ. Cô động viên chúng dù cho hoàn cảnh có như thế nào đi chăng nữa thì vẫn phải cố mà bám trường, bám lớp. Giáo dục theo cách nhìn của cô không chỉ là truyền đạt những kiến thức có trong sách vở mà cô còn dẫn dắt tinh thần để học trò của mình luôn đi đúng hướng và nuôi dưỡng tâm hồn chúng trở nên khiêm nhường, kiên trì, quả cảm và hạnh phúc nhất. 

Trong những năm tháng đi học, không điều gì có thể ngăn bước 10 đứa trong đội chiến binh cầu vồng. Mặc cho những khó khăn, chúng chưa từng vắng một buổi học nào. Đối với chúng học tập là thiêng liêng, là những giây phút vui vẻ và cao quý nhất. Đứa nào cũng cảm thấy may mắn vì có sự dẫn dắt của 2 nhà giáo tận tụy. Nhưng để cả 10 đứa có thể bám lớp, bám trường đến cùng thì đó là nhờ vào lòng quyết tâm và niềm tin vào giáo dục sẽ thay đổi con người và tương lai chúng một cách tích cực hơn.

chien-binh-cau-vong

Một cái kết đầy tiếc nuối nhưng vẫn khiến người đọc cảm thấy mãn nguyện. Bởi vì sau cùng chính ngôi trường Muhammadiyah, chính thầy Harfan, cô Mus đã thay đổi nhận thức về giáo dục trong suy nghĩ của những đứa trẻ và truyền đạt về ý nghĩa thực sự và duy nhất của giáo dục chính là nuôi dạy con người chứ không phải vì bất kỳ thành tích, danh tiếng hay tiền bạc. 

Chiến binh cầu vồng là 1 câu chuyện cảm động, nó không chỉ khiến người ta thổn thức vào những trang cuối truyện mà ngay từ khi bắt đầu, người đọc đã phải rưng rưng nước mắt rồi. Văn phong miêu tả sự nghèo đói nhưng sâu trong đó lại là niềm kiên định, tự hào, mạnh mẽ trong từng câu chữ. Giọng kể chuyện nhẹ nhàng của Andrea Hirata chắc chắn sẽ chạm đến lòng trắc ẩn sâu xa trong trái tim của bất kỳ độc giả nào khi đến với Chiến binh cầu vồng. 

Click để mua sách CHIẾN BINH CẦU VỒNG đang giảm giá tại TIKI

Click để mua sách CHIẾN BINH CẦU VỒNG đang giảm giá tại SHOPEE

Trích dẫn hay trong Chiến binh cầu vồng

“Học tập là cao quý, là ca tụng nhân bản, là niềm vui khi được cắp sách tới trường và là ánh sáng văn minh”

“Tao sẽ không làm cha mẹ mình phải thất vọng, lkal à. Họ muốn tao tiếp tục đi học. Tụi mình phải biết ước mơ, những ước mơ cao đẹp, và học là con đường để chúng ta đi đến những ước mơ ấy. Đừng bỏ cuộc. Đừng bao giờ bỏ cuộc.”

“Những thứ đã không thể làm bạn chùn bước thì chắc chắn sẽ làm bạn mạnh mẽ hơn.”

“Ở đâu tôi cũng thấy người kém may mắn nhất trên thế giới là người bi quan.”

“Chúng tôi cùng nhau làm nên dải cầu vồng đẹp nhất thế gian này.”

“Thầy Harfan và cô Mus nghèo khổ đã mang đến cho tôi tuổi thơ đẹp nhất, tình bạn đẹp nhất và tâm hồn phong phú, một thứ gì đó vô giá, thậm chí còn có giá trị hơn những khao khát mơ ước. Có thể tôi lầm, nhưng theo ý tôi, đây thật sự là hơi thở của giáo dục và linh hồn của một chốn được gọi là trường học.”

Mọi công dân đều có quyền học hành 

(Hiến pháp Nước Cộng hòa Indonesia, Điều 33)

Review sách Chiến Binh Cầu Vồng

Tapchireview’s rating: 5/5