Nếu những tác phẩm khác lựa chọn cách lên án tội ác chiến tranh bằng những trích đoạn miêu tả chân thực, thì Đi tìm lẽ sống – Viktor E.Frankl lại cho ta thấy với một cái nhìn khác về tội ác. Khi ông lựa chọn cách quan sát và ghi chép lại diễn biến tâm lý những người tù. Chứng minh rằng, con người vẫn có thể thể tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống ngay cả trong những hoàn cảnh tồi tệ nhất.
Đi tìm lẽ sống– cuốn sách được xếp trong dòng sách tiểu sử, phát triển bản thân đáng đọc nhất mọi thời đại. Nhưng không chỉ dừng lại ở lý thuyết và các giáo điều, Đi tìm lẽ sống của Viktor E.Frankl cho người đọc một trải nghiệm chân thực về cuộc sống ở trại tập trung của Đức quốc xã, khi chính ông trở thành một người tù trong những trại tập trung. Cuốn sách được chia làm 2 phần: Phần 1: Những trải nghiệm trong trại tập trung. Phần 2: Sơ lược về liệu pháp ý nghĩa.
Phần 1: Những trải nghiệm trong trại tập trung
Năm 1942, khi cuộc khủng hoảng Do Thái bước vào giai đoạn ác liệt, Viktor E.Frankl đã có cho mình tấm vé sang Mỹ, song ông lại quyết định từ bỏ cơ hội này để ở lại với cha mẹ già. Tháng 9/1942, ông và gia đình bị phát xít bắt. Tại đây, thay vì chấp nhận số phận và sống những chuỗi ngày vô nghĩa.,Frankl chọn cách thay đổi thái độ và tiếp tục thực hiện chữa trị tâm lý cho những người tù.
Những cảnh tượng tại trại tập trung đầy ám ảnh đến nỗi, tất cả những gì xung quanh cuộc sống của người tù hiện ra với hơi khói đến từ lò hỏa thiêu xác và cảnh tượng những người tù khác được đưa vào phòng hơi ngạt mỗi ngày. Mạng sống con người có thể bị tước đoạt bất cứ lúc nào.
Tuy nhiên, có lẽ điều kinh khủng nhất không phải là phòng hơi ngạt hay lò hỏa thiêu, mà đó chính là cuộc sống của những người ở lại, những người được coi là có đủ sức lao động. Nếu bạn đã từng tìm hiểu, cuộc chiến diệt chủng Do Thái của Đức quốc xã là một trong những cuộc chiến bị lên án trên toàn thế giới. Chế độ hà khắc, khốc liệt trong những trại tập trung gây ám ảnh cho bất cứ người nào từng nghiên cứu qua về cuộc chiến này. Phá bỏ những lý thuyết về nhu cầu dinh dưỡng và y tế thiết yếu của con người, sức chịu đựng con người dường như vượt qua khỏi mọi giới hạn mà những nghiên cứu trước đây đã từng đặt ra.
Hơn cả những nỗi đau về thể xác, đó là những nỗi đau về tinh thần. Mỗi ngày, mỗi ngày trôi qua trong tại tập trung dường như đã ăn mòn linh hồn của họ. Một bộ phận người tù đã tìm đến cái chết, dù họ không được tuyên án. Cuộc sống tù đày vượt quá giới hạn của bản thân, khiến họ nghĩ rằng họ không còn ý nghĩa gì để sống. Tuy nhiên, đứng giữa những ám ảnh kinh hoàng đó, một số người đã vượt qua và sống sót trở về. Lý giải cho những trường hợp sống sót hy hữu đó cùng với việc đúc kết từ những quan sát, phân tích cụ thể, Frankl khẳng định và luôn truyền tải một thông điệp xuyên suốt tác phẩm “Cuộc sống bao giờ cũng chứa đựng một ý nghĩa tối hậu, cho dù đó là hoàn cảnh khắc nghiệt nhất” và “Người nào có lí do để sống thì có thể tồn tại trong mọi nghịch cảnh” đến tất cả mọi người.
- Reivew sách Giận Thích Nhất Hạnh – Từ bỏ giận giải thoát chính mình
Ông luôn cho mình những lý do bắt buộc ông phải sống tiếp. Đó chính là những người thân của mình, người vợ đang chờ mình ở đâu đó và đề tài nghiên cứu đang dang dở mà ông vẫn luôn ấp ủ để hoàn thành. Tình yêu của Frankl cũng được khắc họa phần nào trong tác phẩm. Đó là những lần ông cố thoát ra khỏi thực tiễn khốc liệt để có thể tưởng tượng và trò chuyện với người vợ thân thương của mình. Đối với ông đó là những giây phút an ủi nhất trong trại tập trung. Ông nói “Tình yêu không chỉ gắn liền với sự hiệu hữu của thể xác. Tình yêu tìm thấy ý nghĩa sâu sắc nhất trong tâm trí, trong chính nội tâm của con người. Cho dù người ấy có thực sự tồn tại, có còn sống hay không cũng không quan trọng.”
Phần 2: [Đi tìm lẽ sống] Sơ lược về liệu pháp ý nghĩa
Năm 1945, sau khi đã có hơn 1,5 triệu người chết tại trại “tử thần” Auzchwitz. Viktor E.Frankl là một trong số ít những người may mắn có thể sống sót trở về. Trên cương vị là một bác sĩ tâm lý, năm 1946, ông hoàn thành cuốn sách Đi tìm lẽ sống chỉ trong 9 ngày với số lượng phát hành kỷ lục. Khảo sát của thư viện Quốc hội Mỹ vào năm 1991 cho thấy, khi các độc giả được hỏi về cuốn sách nào đã tạo nên thay đổi thực sự trong cuộc đời của họ, cuốn “Đi tìm lẽ sống” của Viktor Frankl nằm ở trong top 10 của danh sách này.
Ở phần 2 của tác phẩm, khi ông có thời gian để xâu chuỗi những quan sát và tâm lý tù nhân ở các trại tập trung. Ông nêu lên quan điểm rằng để điều trị tâm lý cho một bệnh nhân thì không chỉ tập trung vào việc tìm ra nguyên nhân bệnh và chữa lành những tổn thương trong tâm hồn của họ. Người bệnh cần tập trung hơn vào tương lai, tức là vào những ý nghĩa cuộc sống sẽ được xây đắp ở tương lai. Đó chính là thiên hướng mà Frankl đã sử dụng cho những bệnh nhân của ông – “Liệu pháp ý nghĩa”.
Trong suốt cả tác phẩm, ông luôn nhấn mạnh và trích dẫn rằng: “Người nào có lí do để sống thì có thể tồn tại trong mọi nghịch cảnh”. Con người sống và phát triển mỗi ngày đều cần một mục tiêu, lý do, nhiệm vụ để sống. Khi họ bị tước đi những điều đó, họ đi vào trạng thái : “Thất vọng về sự tồn tại” của chính mình.
Với những dẫn chứng cụ thể từ những bệnh nhân của mình. Ông nhấn mạnh, con người vẫn có thể tìm thấy những mục tiêu và nhiệm vụ khác để tồn tại. Tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống, trong tình yêu thương, hay ngay cả khi trong sự đau khổ, bi kịch thì vẫn có một ý nghĩa nào đó luôn hiện hữu, chẳng qua là chúng ta thường bỏ qua nó và chỉ tập trung vào hoàn cảnh đau khổ và bi kịch mà thôi.
“Chính chúng ta phải tự trả lời cho câu hỏi mà cuộc sống hỏi ta, và trước những câu hỏi đó, chúng ta chỉ có thể trả lời bằng cách chịu trách nhiệm cho sự tồn tại của chính mình.”
Là một trong những cuốn sách kinh điển của mọi thời đại, Đi tìm lẽ sống đã trở thành liều thuốc xoa dịu những tâm hồn trống rỗng hay thậm chí là đầy tổn thương và mất mát. Rằng cuộc sống của mỗi người đều tồn tại những mục đích và lý lo. Khi đối mặt với cảm giác tuyệt vọng vì mất đi tất cả, hãy nhớ rằng đã có những người như Frankl.
Review sách đi tìm lẽ sống
Tapchireview’s rating: 4.25/5