Nói đến đơn phương, người ta lại nghĩ đến những câu chuyện tình yêu thầm kín, chỉ xuất phát từ một phía với mong muốn một ngày nào đó ta có thể nhận lại được hồi đáp. Nhưng, Đơn phương của Higashino Keigo không chỉ là tình yêu thầm giữa những con người với con người, mà đó còn là tình yêu thầm của những con người với mong muốn được sống đúng với bản chất của mình; là tình yêu thầm với những ước mơ, hoài bão tuổi trẻ đã phải xếp lại vì cuộc sống quay cuồng, bận rộn.
Đơn phương (Kataomoi) là một trong những cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn trinh thám, xã hội đại tài Higashino Keigo. Cũng như đa phần các cuốn tiểu thuyết khác của ông, Đơn Phương sử dụng cốt chuyện trinh thám để gửi gắm vào đó những vấn đề về xã hội, về con người Nhật Bản. Có thể nói rằng, Đơn phương chính là một bức tranh hoàn hảo, đã lột tả hiện thực xã hội Nhật Bản lúc bấy giờ nơi mà có những con người muốn thoát khỏi vòng lặp thường ngày để tìm lại những điều khát khao, đam mê và một khoảng trời nơi mà họ đã cháy hết mình cho tuổi trẻ.
Đơn phương – Vấn đề giới tính và khát khao được sống là chính mình
Đơn phương mở đầu với một vụ án giết người, nghi phạm bỏ trốn được cho là Mitsuki (nhân vật chính của câu truyện). Trong lúc đang suy nghĩ việc tự thú hay tiếp tục lẩn trốn, Mitsuki đã đi tìm gặp lại những người bạn đại học đã cùng cô chia sẻ tuổi thanh xuân. Từ đây, Tetsuro cùng vợ mình đã quyết định giúp đỡ Mitsuki che dấu tội ác này. Cũng vào lúc đó, bí mật về giới tính của Mitsuki dần dần được hé mở.
Thân thể con gái nhưng tâm hồn là con trai – Đó là điều mà Mitsuki phải chịu đau khổ, dằn vặt suốt 30 năm qua. Cho đến khi cô đã vượt hết những rào cản về tâm lý, về xã hội để được sống là chính mình thì lại bất ngờ bị cuốn vào một vụ án. Theo dòng câu chuyện, sự đan xen giữa bài toán trinh thám và vấn đề giới tính được Higashino Keigo dẫn dắt khéo léo, vừa đảm bảo mạch truyện đủ thu hút độc giả vừa đảm bảo thông điệp của tác phẩm được truyền tải một cách kỹ lưỡng và tròn trịa nhất.
Đơn phương ra đời vào những năm đầu tiên của thế kỷ 21 khi mà Nhật Bản và các nước châu Á mới bắt đầu “mở lòng” hơn về vấn đề LGBT. Nhưng vẫn chưa thể nói rằng vấn đề đồng tính đã được xã hội thừa nhận hoàn toàn. Thông điệp về giới tính trong Đơn Phương dù còn nhiều thiếu sót, chưa rõ ràng ở một số khía cạnh, nhưng đủ để khẳng định sự liều lĩnh của Higashino khi ông dám khai thác đến một lĩnh vực rất mới và khá nhạy cảm lúc bấy giờ.
Xuyên suốt cả tác phẩm là rất nhiều lần Mitsuki khẳng định mình là nam giới từ trong chính tâm hồn. Bằng chứng là dù Mitsuki đã có con và chồng, cô vẫn quyết định ra đi để được sống với bản chất thực của mình. Lúc này, Mitsuki được tác giả quy chiếu với hình ảnh 2 mặt của đồng xu với ý nghĩa trong một cơ thể, con người chỉ có thể sống với 1 giới tính, hoặc là nữ hoặc là nam. Mitsuki không thể tiếp tục sống với giới tính nữ, bởi vì cô nhận thức rằng, cô chính là một người con trai từ trong chính tâm hồn. Bản tính nữ vốn chỉ là vỏ bọc bên ngoài để cô che mắt trước 1 xã hội Nhật Bản vẫn còn đầy định kiến về vấn đề đồng tính mà thôi.
Nhưng càng về cuối tác phẩm, vấn đề giới tính lại được Higashino Keigo diễn giải ở một góc nhìn mới lạ, khi ông nói rằng con người vẫn có thể tồn tại 2 giới tính trong cùng 1 cơ thể cho dù bạn là ai, chứ không chỉ là người đồng tính. Ở đây, Higashino quy chiếu Mitsuki với dải băng Mobius – thanh màu chuyển đổi. Tâm hồn của con người cũng vậy, tùy vào môi trường, thể chất mà tâm hồn của con người sẽ dịch chuyển liên tục giữa 2 giới tính. Liệu bạn có đủ chắc chắn rằng 100% tâm hồn mình là nam. Không ai, không một công thức nào có thể chia tỷ lệ cho giới tính cả.
Theo quan điểm của Higashino Kegio,vốn dĩ không hề có một ranh giới nào giữa tính nam và tính nữ. Sẽ có những lúc dù chúng ta là nam, một số hành động của ta vẫn thiên về tính nữ lúc nào mà ta không biết. Như dải băng Mobius, rất khó để ta có thể phân chia giới hạn giữa các màu sắc trong này. Đối với trường hợp Mitsuki vị trí của cô trên dải băng Mobius là nằm chính giữa, là sự hòa trộn giữa tính nữ và tính nam. Có lẽ, vì cô không hiểu được điều này mà hơn suốt 30 năm cuộc đời cô vẫn luôn đi tìm kiếm bản chất thực của mình.
Xã hội Nhật Bản trong Đơn Phương
Khi trưởng thành, bất kỳ ai trong chúng ta đều sẽ có ít nhất một lần hoài niệm về những ký ức của 1 thời tuổi trẻ. Đặc biệt là khi chúng ta gặp lại 1 ai đó, chạm vào 1 đồ vật gì đó, đã từng đỗi quen thuộc với chúng ta thì những ký ức đó, những mơ ước đó lại sống dậy một lần nữa trong tiềm thức của mỗi người.
Đối với Đơn phương thì sự hoài niệm nó còn day dứt và mãnh liệt hơn cả. Higashino mở đầu sự hoài niệm đó bằng buổi gặp mặt sau 10 năm của những cựu thành viên trong đội bóng bầu dục. Sự hoài niệm trong đơn phương còn đi cùng với sự hối tiếc về bàn thua cuối cùng của đội bóng. Trận thua cuối cùng này đã khiến thành viên của đội từ bỏ ước mơ thi đấu chuyên nghiệp và dần dần rẽ hướng theo những con đường khác khi họ tốt nghiệp.
Đội bóng bầu dục chính là minh họa cho một xã hội Nhật Bản đang oằn mình sau cuộc khủng hoảng của nền kinh tế bong bóng. Những sinh viên vừa ra trường phải tạm gác lại những ước mơ, hoài bão để chạy theo bánh xe của cuộc đời. Để rồi khi nhìn lại, quá khứ chỉ toàn là những sự nuối tiếc và hoài niệm khôn nguôi. Quá khứ trong đơn phương bị thương hơn cả khi chúng dày xé những nhân vật, chúng khiến họ chán nản thực tại và mong tìm về những ngày xưa cũ.
Sự sắp xếp tài tình của Higashino ở chỗ, ông sử dụng những vị trí trong trận đấu bóng bầu dục để nói lên tính cách con người của họ. Dù ở bất kỳ trận đấu nào thì vị trí hay lối chơi bóng của từng thành vẫn không thay đổi. Cũng như tính cách con người của họ vậy, dù là ở hiện tại hay quá khứ, dù trong tình huống nào thì tính cách của họ mới là chìa khóa quyết định bước đi tiếp theo của họ. Đơn phương đã chứng minh được dù thực tại theo thời gian sẽ thay đổi ít nhiều nhưng chính bản chất của mỗi người sẽ là thứ kéo ta lại về đúng con đường mà mình thuộc về.
Xem thêm các tác phẩm của bác Higashino Keigo:
- Bạch dạ hành – Số phận bi kịch của những con người vùng vẫy trong đêm trắng
- Phía sau nghi can X – Bất hạnh của một tình yêu song hành cùng tội ác
- Thư – Song sắt vô hình mang tên “Định kiến xã hội”
- Bí mật của Naoko – Sống thật với linh hồn hay sống đúng với thân phận?
Đơn phương là một cuốn sách dày, 530 trang khổ lớn, nhiều tuyến nhân vật, nhiều tình tiết chồng chéo lên nhau, sự song chiếu thực tại – quá khứ và những kiến thức về thể thao đủ làm người đọc cảm thấy “quá sức”. Nhưng Đơn Phương cũng như một trận bóng bầu dục vậy, dù trong trận đấu bạn chạy rất mệt, nhưng khi kết thúc trận đấu, dù thắng hay thua thì chắc chắn rằng bạn đã có những trải nghiệm và bài học tuyệt vời nhất.
Nếu bạn đã từng đọc qua những tác phẩm của bác Higashino Keigo thì Đơn phương chắc hẳn không phải là một cuốn sách xuất sắc. Nhưng Đơn phương một phần nào đó đã mở ra cho người đọc những kiến thức mới mẻ về vấn đề giới tính của con người cùng những hiểu biết sâu rộng hơn về hiện thực xã hội Nhật Bản, nơi mà những người trẻ Nhật Bản phải tạm gác lại những mong cầu của riêng mình để hòa nhập với sự thay đổi mới của toàn xã hội.
Review sách Đơn phương
Tapchireview’s rating: 3.5/5
2 Bình luận
Pingback: Sau giờ học: Tác phẩm làm nên tên tuổi của Higashino
Pingback: Tên của trò chơi là bắt cóc: Ai mới là người làm chủ cuộc chơi?