Có lẽ, ai từng theo dõi các tác phẩm của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, đều không thể bỏ qua tác phẩm nổi tiếng nhất của thầy – Giận. Chúng ta đều nghĩ rằng, Giận chính là hành động để chúng ta hành hạ, đổ lỗi cho người có thái độ không đúng với ta. Nhưng để nhìn về tổng thể, người chịu áp lực, chịu hành hạ và bị thao túng bởi cơn giận – đó lại là chính bản thân ta.
Đôi nét về tác phẩm Giận – Thích Nhất Hạnh
Để khái quát về Giận chỉ cần 4 từ, đó là “Thâm thúy” nhưng “Bình dị”. Thiền sư Thích Nhất Hạnh cho mỗi người đọc tự tìm hiểu mình từ trong sâu thẳm nhất của mỗi con người chúng ta. Nhưng không vội! Chúng ta đã trải qua mấy chục năm cuộc đời mà còn chẳng hiểu nổi mình. Vậy thì một cuốn sách sẽ giúp chúng ta được điều gì?
Để nói về “Giận”, chúng ta có thể kể đến vô số tình huống trong cuộc đời của chúng ta liên quan đến động từ này. Nhưng đối với Giận của thiền sư Thích Nhất Hạnh, chỉ vỏn vẹn trong 252 trang, nhưng lại giúp người đọc tìm được nguyên căn của cơn giận và cách để đối đầu với cơn giận theo con đường đơn giản và tích cực nhất.
Khi đọc Giận, người đọc như đang trao đổi với chính nội tâm của mình. Bởi sân hận không phải bắt đầu từ một mối quan hệ sứt mẻ hay thái độ, hành động của người khác khiến chúng ta không hài lòng. Sân hận là bản ngã, là cảm xúc luôn luôn lưu hành trong mỗi con người dù người đó có duy trì mối giao thiệp giữa người với người hay không. Giận là cảm xúc cá nhân, chúng chỉ xuất hiện khi chúng ta cho phép chúng xuất hiện. Cũng từ đó, Thiền Sư Thích Nhất Hạnh đã chứng minh, con người có thể làm chủ cơn giận, biến cơn giận thành hành động tích cực.
“Khi ta giận, khi một ai đó làm cho ta giận, ta phải trở về với thân tâm và chăm sóc cơn giận của mình”
Làm sao để chế ngự cơn giận của bản thân và đối mặt với cơn giận của người khác
Như đã nói, sân hận thuộc về bản ngã của mỗi con người. Có lẽ, chế ngự cơn giận không thể thành công ngày một ngày hai được, cũng không thể thành công hoàn toàn trong mọi tình huống cuộc sống. Vậy phải làm sao để đẩy xác suất chế ngự cơn giận thành công cao hơn? Theo thiền sư Thích Nhất Hạnh, muốn thành công trong việc chế ngự cơn giận, đầu tiên hãy loại bỏ suy nghĩ “sân hận không phải cảm xúc để chúng ta chế ngự”. Bởi lẽ, khi chúng ta muốn chế ngự cơn giận, chúng ta buộc bản thân phải kìm nén lại mỗi khi cơn giận xuất hiện. Việc “đè nén cơn giận” không được Thầy khuyến khích, vì một lúc nào đó chúng ta sẽ mất kiểm soát và lại rơi vào “cái bẫy” của những cơn giận, thậm chí là những cơn giận với “quy mô” lớn hơn. Ngược lại, chúng ta phải “chăm sóc” cơn giận, chấp nhận cơn giận một cách hài hòa. Thích Nhất Hạnh gọi đó là “Kỹ thuật tinh thần”.
“Nếu bạn không thể chấp nhận chính mình, nếu bạn không thể đối xử từ bi với chính mình thì làm sao bạn có thể chấp nhận, đối xử từ bi với người khác?”
Thứ 2, hãy thực hành “Chánh niệm” – Biết rõ điều gì đang có mặt, đang xảy ra. Đó là điều mà thiền sư truyền tải xuyên suốt tác phẩm. Sân hận không thể tự động biến mất, càng không thể bị kìm nén hay chế ngự, sân hận chỉ mất đi khi ta chuyển hóa chúng thành những điều tích cực. Tạo nhiều cơ hội để chúng ta có thể sống ý nghĩa hơn, thay vì sinh hận trong lòng. Thực hành kiểm soát cơn giận từ những điều nhỏ nhặt nhất – từ cách ăn uống, đi lại đến lời nói, cách hàng xử.
Dù tác phẩm nhận được sự đón đọc đông đảo của người đọc. Nhiều ý kiến cho rằng, Giận vẫn mang đậm màu sắc của Phật Giáo, cùng những giáo điều, định hình suy nghĩ, phong cách theo người nhà Phật. Chính vì vậy, ở một số phương pháp mà Thiền sư tuy hay, nhưng sẽ khó khăn để có thể áp dụng vào thực tế. Tuy nhiên, để đánh giá công bằng mà nói, Giận vẫn là một cuốn sách rất hay, rất đáng đọc. Phần nào đó, sẽ giúp chúng ta định hình cơn giận, kiểm soát và đối mặt với chúng. Hãy cầm sách lên, bình tâm, an yên một lúc cùng Giận, bỏ lại thế giới quay cuồng, hối hả để lắng nghe điều gì mới thực sự tốt cho tâm ta.
Qua góc nhìn của một người con của Phật, Thích Nhất Hạnh đã mở ra một thế giới quan mới cho người đọc. Qua đó giúp mỗi người tự nhìn nhận cơn giận của mình, hóa giải cơn giận của mình từ những điều đơn giản nhất. Bằng ngôn ngữ giản dị nhưng đầy thâm thúy, Giận sẽ là lời nhắc nhở mỗi người chúng ta mỗi khi đi “trật đường ray cảm xúc” trong quãng đời này. Chắc chắn Giận sẽ là người bạn đồng hành tuyệt vời trên con đường nuôi dưỡng tâm hồn và rèn luyện bản thân của mỗi người.
Sách Giận được xuất bản đầu tiên vào ngày 10/9/2001 tại Hoa Kỳ, cách một ngày trước biến cố ngày 11/9/2001. Chính vì vậy, Giận có ảnh hưởng lớn đến người dân Hoa Kỳ với hơn 50.000 bản được bán ra mỗi tuần, trong suốt 9 tháng. Ở Hàn Quốc ghi nhận, sách Giận đã bán được 1 triệu bản trong 11 tháng.
Review sách Giận – Thiền sư Thích Nhất Hạnh
Tapchireview’s rating: 4.0/5