Kiêu hãnh và định kiến, bức tranh xã hội Anh quốc nửa cuối thế kỷ 18 đầu thế 19 được miêu tả đầy chân thực qua ngòi bút của Jane Austen. Khi địa vị, tiền bạc luôn là thước đo cho mọi cuộc hôn nhân, thì tình yêu của chàng quý tộc Darcy dành cho cô nàng Elizabeth lại càng chịu nhiều thử thách hơn, bởi bản tính kiêu hãnh luôn bị hiểu nhầm bởi người con gái đầy phán đoán và định kiến.
Có những tác phẩm văn chương mà chúng ta phải công nhận chúng chống lại sự trôi qua của thời gian. Dù đã trải qua hơn 200 năm, Kiêu hãnh và định kiến vẫn luôn là một trong những tác phẩm kinh điển nhất mọi thời đại. Jane Austen đã chắp bút cho tác phẩm thật tài tình, khi một thời đại, một xã hội được gói gọn trong những giao thiệp thường ngày. Người đọc không thể ngừng tò mò lật dở từng trang sách chỉ vì câu chuyện tình Darcy và Elizabeth, mà còn cả những câu thoại trịnh thượng, lối ăn nói, hành xử khiến người ta càng say mê muốn tìm hiểu về thời đại này hơn. Không chỉ dừng ở đó, Jane Austen đã khéo léo chỉ ra những mặt xấu, những góc khuất đầy phù phiếm được che đậy sau những ứng xử và kiểu cách thanh cao, tao nhã của tầng lớp quý tộc thời bấy giờ.
[Kiêu hãnh và định kiến] Tóm tắt tác phẩm
Kiêu hãnh và định kiến mở đầu với câu chuyện của gia đình tiểu quý tộc – ông bà Bennet với 5 cô con gái. Ông Bennet trầm lắng, vô ưu, không mấy nổi bật. Bà Bennet là hiện thân chân chính của những bà mẹ lúc bấy giờ. Cô chị cả Jane – xinh đẹp, hiền lành, hiểu chuyện, mẫu người hoàn hảo thanh cao từ nhan sắc đến cốt cách. Cô em thứ 2 Elizabeth – thông minh, nhanh nhẹn, cứng đầu, giỏi phán đoán. Cô em thứ 3 Mary – ham học hỏi, nhan sắc có phần thua thiệt với chị em. Cô em thứ 4 Kitty – không kiên định và mờ nhạt. Cô em út Lydia – Bồng bột, thiếu lịch sự và tùy tiện.
Những câu chuyện xoay quanh gia đình Bennet phần nào cho ta hình dung về một xã hội Anh Quốc, khi con gái đến tuổi lấy chồng trở thành chủ đề toàn thời gian của mọi gia đình lúc bấy giờ. Tác phẩm dần được mở ra khi những mối giao thiệp với những chàng trai bắt đầu. Jane với Bigley – chàng trai quý tộc mới chuyển đến, thân thiện, lịch sự. Elizabeth cùng với Darcy. 2 cô em út với những chàng trai trong quân đoàn đầy vui tính, sôi nổi.
Khi đạo đức phải cúi nhường trước hiện thực
Xã hội quý tộc ở Anh Quốc được miêu tả rõ ràng hơn bao giờ hết trong Kiêu hãnh và định kiến. Từ lời ăn tiếng nói trong mỗi câu thoại cho đến cung cách ăn bận, giao thiệp dường như được Jane Austen lột tả rõ ràng đến từng chi tiết.
Dù xã hội đó có hào nhoáng, cao sang, kiểu cách chừng nào, mỗi người trong xã hội đó chính là bằng chứng cho thấy đạo đức đã dần suy đồi với những tham lam, toan tính trước hiện thực của xã hội Anh quốc lúc bấy giờ.
Bà Bennet: Chân dung mẫu người mẹ điển hình của thời đại đó. Một người phụ nữ sun se, vụ lợi, không có tầm nhìn. Bộc lộ vẻ tham lam trước số điền sản của gia đình khi phải chịu rơi vào tay của người cháu họ hàng. Một người đàn bà đầy vụ lợi khi không ngừng lên kế hoạch cho những đứa con gái được gả vào gia đình quý tộc có tài sản và địa vị; đầy khoe khoang khi to nhỏ với những người hàng xóm về mối tốt mà con mình sắp có được. Cũng chính cái thói khoe khoang đó đã khiến bà nhục nhã hơn, khi cô con gái út Lydia bỏ đi theo một chàng trai không có của cải và địa vị. Và bà chẳng bao giờ nhận mình sai với thói chiều chuộng 2 cô con gái út để họ mải miết với những cuộc ăn chơi, thoải mái với kiểu cách vô phép tắc của mình.
Cô Charlotte: Mẫu hình tiêu biểu cho những cô gái tìm kiếm sự ổn định, được miêu tả không mấy gì nổi bật. Tuy nhận ra những đức tính xấu của chàng trai Collins dưới vỏ bọc hào nhoáng và kiểu cách trịnh thượng có phần khoe khoang, cô vẫn quyết định trở thành người bạn đời của anh ta. Cô phải phải cúi nhường trước hiện thực rằng, cô cần một cuộc sống ổn định hơn là phải săn đón những chàng trai mà cô nghĩ chưa chắc họ đã để ý đến mình. Sợ cô đơn và sự dèm pha từ những người láng giềng chính là nỗi sợ chung của toàn bộ những cô gái đến tuổi lấy chồng.
Lydia: Mẫu phụ nữ đắm chìm trong những tình cảm tuổi mới lớn. 15, 16 tuổi, thay vì trau dồi tri thức và đạo đức, cô dành toàn thời gian để nghĩ đến những chàng sĩ quan trẻ tình cờ ghé thăm vùng đất của cô. Tính cách của cô lại thêm phần được nhấn mạnh hơn, khi cô quyết định bỏ lại phẩm hạnh của mình, bộ mặt của gia đình để bỏ trốn cùng người con trai mình yêu.
Khi lòng kiêu hãnh được thẩm định bởi những định kiến
Giữa những quay cuồng vũ hội cùng âm mưu toan tính của cả một xã hội ganh đua nhau tìm tấm chồng tốt cho các cô gái, nổi lên chuyện tình của cô con gái thứ cứng đầu Elizabeth và chàng quý tộc Darcy. Eliza được mô tả là một người có tính cách sống động, vui tươi, hiểu biết, đầy phán đoán với những trò lố bịch. Darcy được miêu tả là người đàn ông giàu có, điển trai, kiêu hãnh, không mấy phần sôi nổi.
Thoạt nhìn, có thể đánh giá chuyện tình của Darcyvà Elizabeth như bao câu chuyện tình yêu điển hình khác với một kết thúc có hậu. Tuy nhiên, nếu nhìn sâu hơn, Elizabeth lại có tính cách khác hẳn với những cô gái thời đó. Khi nhiều cô gái sẵn sàng bỏ qua lòng kiêu hãnh của Darcy để trở thành phu nhân của người đàn ông giàu có, điển trai nhất vùng, thì những định kiến của Elizabeth về Darcy đã khiến cô quên đi những lợi ích về tiền bạc và địa vị khi anh cầu hôn cô. Có thể thấy rằng Jane Austen đã chọn một nước đi hoàn hảo cho nhân vật của mình bằng cách trao quyền lực cho một nhân vật nữ. Thật đáng mừng, khi những người phụ nữ khác đều bị dẫn dắt trước quyền lực và địa vị, thì Elizabeth lại nắm trong tay hạnh phúc và tương lai của mình trong chính khoảnh khắc cô khước từ lời cầu hôn của Darcy.
Lòng kiêu hãnh của anh có thể được tung hô bởi những cô gái khác, điều anh vẫn được nghe mỗi ngày, khiến anh bản tính kiêu hãnh của anh càng được bồi đắp thêm. Nhưng với Elizabeth lại khác, cô không ủng hộ việc anh trở thành một người kiêu hãnh. Lòng kiêu hãnh của anh đã được thẩm định khắt khao trước định kiến của cô. Có thể hơi khắt khe, nhưng chính những chính kiến đó đã khiến cô trở thành người phụ nữ mà anh muốn theo đuổi nhất.
Phải thừa nhận rằng Jane Austen là một nhà văn đầy tài giỏi, khi bà có cái nhìn từ xa về thời đại và xã hội của mình. Khiếu hài hước đầy mỉa mai, không hẳn phê phán cũng không hẳn tán thành đã cho chúng ta đi về xã hội Anh Quốc nửa cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19 đầy chân thực nhất.
Những cuộc hội thoại dù có vẻ hơi phần trịnh thượng và dông dài, nhiều câu thoại đã không còn phù hợp với thời đại hiện nay. Nhưng chắc chắn rằng, những câu thoại mới lạ đó chính là thứ thu hút độc giả ở lại cùng Kiêu hãnh và định kiến. Bạn sẽ không ngừng tượng tượng chính xác giọng nói và cung cách của nhân vật thế nào, biểu cảm của họ ra sao. Cái cách dùng từ của nhà văn tài tình đến nỗi bạn sẽ phải đọc chúng thêm một lần nữa trước khi quyết định chuyển sang câu văn khác.
Kiêu hãnh và định kiến xứng đáng là một trong những tác phẩm kinh điển. Dù cho thời gian, bối cảnh đã cách chúng ta đến hơn 200 năm. Nhưng những gì mà tác phẩm truyền tải, nhân vật mà Jane Austen xây dựng, chúng ta đều có thể tìm thấy ở bất kỳ thời đại nào.
Tapchireview’s rating: 4.0/5