Trong khi Tsuyoshi đang phải chịu bản án phía song song sắt nhà tù vì tội cướp của giết người. Thì anh đâu biết rằng, ở ngoài kia, e trai mình – Naoki cũng đang bị giam hãm phía sau song sắt vô hình mang tên “định kiến xã hội”. Thư là một câu chuyện đau lòng, bi thương. Một góc nhìn mới lạ, đậm tính xã hội của Keigo, khi tác giả liên tục đặt ra những câu hỏi khiến bất kỳ nguời đọc nào cũng phải suy ngẫm: Liệu người thân có đáng chịu những hậu quả mà tội phạm gây ra? Tình máu mủ và định kiến xã hội, điều gì mới thực sự quan trọng?
Thư là một tác phẩm nổi bật của Higashino Keigo và có lẽ cũng là câu chuyện cảm động nhất trong số những tác phẩm đã được công bố của ông tính đến thời điểm hiện tại. Thư mở đầu với một vụ giết người cướp của do Tsuyoshi chủ mưu. Bản án mà anh nhận được là 15 năm tù giam. Những trang đầu tiên, Thư tưởng chừng giống như những cuốn trinh thám khác của Keigo, vốn luôn là sở trường của ông. Nhưng những chương tiếp theo đó, tính xã hội lại càng hiện rõ hơn khi ông chọn cách khai thác cuộc sống của Naoki – đứa em trai đang vật lộn với cuộc sống ngoài xã hội.
Review sách thư Higashino Keigo
Tsuyoshi bị bắt vào nhà giam lúc Naoki chỉ mới học cấp 3, cuộc sống của 2 anh em trước giờ vẫn luôn nương tựa vào nhau, bố mẹ thì mất sớm, Tsuyoshi phải đi làm để nuôi em ăn học. Tình cảnh càng khốn khó hơn, khi anh trai bị bắt, Naoki phải vừa kiếm sống vừa đi học. Nhưng đó chỉ mới là sự khởi đầu cho những chuỗi ngày cô độc, bị xã hội kỳ thị và xa lánh của Naoki. Quan hệ máu mủ với một kẻ giết người chính là song sắt cô lập Naoki khỏi xã hội này. Một “bản án” vô hình cứ từng chút, từng chút một phá hủy cuộc đời của anh, khiến cuộc đời của anh chỉ như một đường hầm tăm tối, cố mò mầm mãi để tìm lối ra nhưng đâu ngờ đường hầm đó lại ngày càng dẫn đưa cuộc đời anh vào những đau thương và bi thảm tột cùng.
Thư – Câu chuyện về tình máu mủ và định kiến xã hội
Mỗi chúng ta đều sống mà không thể chối bỏ tình máu mủ, nhưng cũng không thể sống mà tách biệt với xã hội. Thế mà mỗi ngày sống của Naoki là mỗi ngày mà nội tâm anh phải đấu tranh kịch liệt giữa việc lựa chọn tình máu mủ và cái nhìn của xã hội. Bởi lẽ, lý lịch với dòng chữ “em trai của kẻ giết người” chẳng khác nào một bản án đặt dấu chấm hết cho cuộc đời của anh. Tất cả những thứ Naoki nhận lại là những ánh nhìn đầy kỳ thị, phán xét và cả thương hại. Cùng với đó là lúc anh học được cách từ bỏ: Từ bỏ ước mơ học đại học, từ bỏ người anh yêu nhất, từ bỏ đam mê âm nhạc, từ bỏ công việc tốt hơn,…
Review sách Thư – Higashino Keigo
Bi thảm nhất có lẽ là những bức thư hỏi thăm của người anh Tsuyoshi gửi cho Naoki. Bởi lẽ đó là minh chứng, là sự nhắc nhở dành cho Naoki về tội ác mà anh mình gây ra, về định kiến xã hội mà mình phải hứng chịu. Cay đắng hơn khi mỗi lần anh vùng vẫy thoát khỏi hiện thực tàn khốc, chối bỏ quá khứ, chính những bức thư lại là thứ kéo anh lại với hiện thực và vô tình phá hủy tất cả cuộc sống của anh.
Thư chính xác là một cuốn sách nặng về tâm lý xã hội, khi Higashino lựa chọn khắc họa nội tâm nhân vật theo trục thời gian đầy logic. Khi những sự kiện, những tác động từ xã hội bên ngoài liên tục thử thách con người của Naoki, khiến anh không ngừng đưa ra những quyết định đau lòng và khiến nội tâm của anh không bao giờ thôi dằn vặt.
Bàn về Thư – Higashino Keigo
Thư là cuốn sách tâm lý xã hội, nhưng tác giả lại không lựa chọn cách miêu tả trực diện vào tâm lý của nhân vật. Higashino đã mượn những hình ảnh biểu tưởng để miêu tả tâm lý và dẫn dắt cốt chuyện. Biểu tượng đầu tiên là bức thư với con dấu hình hoa anh đào, dấu hiệu để nhận biết những bức thư đến từ nhà giam. Mỗi lần con dấu đó xuất hiện, nội tâm Naoki lại có sự xáo động mạnh mẽ. Thậm chí cuộc sống của anh cũng bị đảo lộn, những thứ anh cố gắng xây dựng trước khi những bức thư kịp tới đều bị sụp đổ. Đó là lúc độc giả được thấy một Naoki bất lực và căm ghét sự kết nối bởi tình máu mủ với người anh trai trong tù Tsuyoshi.
Nếu như những bức thư với con dấu hình hoa anh đào là biểu tưởng cho vết nhơ của quá khứ, thì túi hạt dẻ rang chính là biểu tượng cho tình ruột thịt thiêng liêng, là những kỷ niệm vui vẻ của 2 anh em thuở nhỏ, là sự nhắc nhở dành cho Naoki về lý do mà Tsuyoshi vào tù chính là muốn cho cậu được một cuộc sống tốt hơn. Túi hạt dẻ cũng là sự mưu cầu về một cuộc sống bình dị, hạnh phúc của 2 anh em. “Anh ơi, ngày mà chúng ta hạnh phúc liệu có đến không? Ngày mà chúng ta có thể nói chuyện với nhau liệu có đến không? Giống như khi hai chúng ta bóc hạt dẻ cho mẹ…”
Thư với bài hát Imagine của John Lennon có sự liên kết chặt chẽ khi Higashino mượn lời nhạc của Imagine để nói lên khát khao tận đáy lòng của Naoki. Đó là sự mong ước về một thế giới bình đẳng, không còn định kiến, một thế giới nơi mà anh có thể ngẩng cao đầu và sống đúng với bản chất của mình. “Có thể bạn nói tôi mơ mộng hão huyền, nhưng hi vọng một ngày nào đó, bạn sẽ hòa cùng chúng tôi và cả thế giới hòa làm một”. Cũng như Inoue Yumehito đã nhận xét ở phần cuối của Thư: “Thoạt trông, cấu trúc của cuốn tiểu thuyết này cực kỳ giống một bản nhạc,…Dù dạo đầu bằng một sự kiện gây choáng váng, nhưng sau đoạn dạo đầu, chủ đề buồn thê lương cứ thế lẳng lặng tuôn trào. Vừa thay đổi hình dạng, lại vừa lặp đi lặp lại, kéo tất cả đến tận cùng của vực thẳm.”
Xem thêm sách của Higashino Keigo:
- Bí mật của Naoko – Sống thật với linh hồn hay sống đúng với thân phận.
- Bạch dạ hành – Số phận bi kịch của những con người vùng vẫy trong đêm trắng.
- Phía sau nghi can X – Bất hạnh của một tình yêu song hành cùng tội ác.
- Điều kỳ diệu của tiêm tạp hóa Namiya – Khi lời khuyên là ngọn đèn thắp sáng những ước mơ.
Thư là cuốn sách nói về một chủ đề mà ở bất kỳ xã hội, bất kỳ thời kỳ nào cũng đều có, đó là sự “định kiến”. Chúng phát triển từ sự khác biệt giữa một con người trong một tập thể. Higashino đã cho thấy sức mạnh và những mặt trái của đám đông và sự kỳ thị. Dù vô tình hay cố ý, tất yếu sẽ làm tổn thương con người khác biệt đó. Thư cũng là lời nhắc nhở đến sự văn minh trong xã hội loài người, đừng đặt những con mắt dò xét, đừng mang lại những áp lực lên cuộc đời của những con người vô tội. Hãy để họ có thể được sống một cuộc đời tự do, không bị phán xét và kỳ thị.
Mặt khác, hãy luôn nhớ rằng, mỗi chúng ta đều có sự liên kết với những người khác trong xã hội này. Hãy luôn suy nghĩ thấu đáo trước khi đưa ra bất kỳ một hành động hay quyết định nào. Đừng chỉ nghĩ rằng mình gây ra tội sẽ phải chịu tội như Tsuyoshi. Bởi lẽ, những người thân cũng vô tình chịu bản án chung ở ngoài xã hội. Họ sẽ phải sống một cuộc đời mà núp dưới cái bóng của danh phận: người thân của tù nhân.
Thư là một tác phẩm ấn tượng, khó quên và chắc chắn cũng để lại cho người đọc nhiều câu hỏi tự vấn, sự day dứt sau khi đọc xong tác phẩm. Cùng với đó là một cái kết “rất” Keigo, đã thực sự chạm đến trái tim và lấy đi nước mắt của hàng triệu độc giả.
Review sách Thư – Higashino Keigo
Tapchireview’s rating: 4.5/5