Squid Game (2021), Alice In Borderland (2020) có lẽ là 2 cái tên về trò chơi sinh tồn dài tập hot nhất trên mọi nền tảng tính đến thời điểm hiện tại. Trò chơi sinh tồn vẫn luôn là thế mạnh của Nhật Bản nên không mấy làm lạ khi Alice In Borderland lại thu hút lượng người xem đông đảo đến như vậy. Nhưng còn phim sinh tồn dài tập Hàn Quốc thì sao? Squid Game – Cái tên nổi bật duy nhất, không chỉ tự viết nên thương hiệu cho mình mà còn là “bệ phóng” vững chắc cho thương hiệu “phim sinh tồn Hàn Quốc” trong vũ trụ điện ảnh.

  • Thời lượng: 32-63 phút (9 tập).
  • Ngày phát hành: 17 tháng 9, 2021
  • Đạo diễn: Hwang Dong-hyuk
  • Kịch bản:Hwang Dong-hyuk
  • Hãng sản xuất: Siren Pictures Inc.
  • Diễn viên: Lee Jung-jae, Park Hae-soo, Wi Ha-joon, Jung Ho-yeon, O Yeong-su, Heo Sung-tae, Anupam Tripathi, Kim Joo-ryoung
  • Thể loại: Sinh tồn, hành động, chính kịch, giật gân. 
  • Điểm IMDp: 8.3/10.
  • TOMATOMETER: 94%
  • AUDIENCE SCORE: 83%

Tóm tắt Squid Game

squid-game

Squid Game (Trò chơi con mực) được phát hành trực tuyến trên nền tảng Netflix ở 90 quốc gia. Ra mắt từ 17/9, trong nhiều tháng liền, Squid Game vẫn luôn giữ vững Top 1 chương trình truyền hình không phải bằng tiếng Anh được xem nhiều nhất toàn cầu.

Squid Game (Trò chơi con mực) theo chân nhân vật chính Seong Gi-hun. Seong Gi-hun đúng nghĩa là 1 người đàn ông thất bại – nợ nần chồng chất, vợ bỏ, nghiện cờ bạc. Anh sống cùng với một người mẹ già mắc bệnh tật. Trong một lần đi cá cược đua ngựa Gi-hun  đã giành chiến thắng lớn. Thế nhưng, anh lại sơ sẩy để 1 kẻ cướp lấy hết số tiền đó. Ngay sau đó, chủ nợ đến tìm anh để đòi món nợ đã quá hạn nhiều ngày. Gi-hun không có tiền trả nên phải chấp nhận ký vào giấy bán thận.

Trên đường về, Gi-hun gặp một người đàn ông lạ. Anh ta rủ Gi-hun chơi một trò chơi nhỏ và sẽ nhận được tiền nếu anh thắng. Gi-hun đã đồng ý chơi và nhận được tiền. Anh ta nói với Gi-hun rằng còn có những trò chơi lớn hơn với số tiền thưởng lớn hơn và đưa cho Gi-hun 1 tấm card có số điện thoại.

Sau nhiều lần đắn đo, Gi-hun quyết định thay đổi cuộc đời của mình bằng việc gọi điện tham gia vào trò chơi đó. Anh đến điểm hẹn và có người đánh thuốc mê đưa anh lên 1 chiếc xe. Khi tỉnh dậy, Gi-hun đã nhận thấy mình mặc 1 bộ đồ màu xanh, được đánh số. Xung quanh là hàng trăm người được đánh số giống anh. Sau đó, những người điều hành mặc áo đỏ đã đưa ra những lời giới thiệu về các trò chơi cùng giải thưởng 15.6 tỷ Won cho những người chiến thắng cuối cùng.

Cách mà Squid Game đã tự viết nên thương hiệu của mình

Trò chơi sinh tồn tưởng “cũ” nhưng “mới”

squid-game

Điểm đặc biệt của các trò chơi trong Squid Game đều là những trò chơi dân gian của Hàn Quốc, bao gồm: Đèn xanh, đèn đỏ; tách kẹo đường; kéo co; chơi bi; vượt cầu kính; trò chơi con mực. Các trò chơi dân gian tưởng chừng như đơn giản, quen thuộc với người Hàn, thế nhưng cái giả phải trả cho người thua cuộc chính là mạng sống. Dù vậy, những người chơi trong Squid Game vẫn chấp nhận đổi mạng lấy tiền. Đó chính là điều khiến cho những Squid Game tưởng cũ nhưng mới. Các trò chơi dân gian được xây dựng một cách chuyên nghiệp, bài bản với quy mơ lớn cùng mức độ nguy hiểm rất cao.

Điểm mạnh của Squid Game là các trò chơi rất đơn giản, dễ cho người xem có thể hiểu và theo dõi ngay lập tức. Dù vậy, các trò chơi dân gian vẫn cần đến sự khéo léo, can đảm, sự quyết đoán, nắm bắt tình hình,… Từ đó, các trò chơi phân hóa người chơi rõ ràng hơn khiến người xem tò mò với cách giải quyết và kết cục của những người chơi trong phim. Bên cạnh đó, từ cái “nền” của trò chơi dân gian, Squid Game đã mở rộng ra các vấn đề trong xã hội Hàn Quốc như sự chênh lệch giai cấp,…

Squid Game – câu chuyện về marketing thương hiệu “phim”

Netflix có lẽ không phải tốn khá nhiều công sức marketing cho Squid Game. Bởi lẽ chính nội dung hấp dẫn, mới lạ mới chính là “công cụ marketing” mạnh mẽ nhất của bộ phim này. Những người xem đầu tiên bị ấn tượng bởi Squid Game, họ truyền miệng, đăng bài giới thiệu, nhận xét trên mạng. Từ đó, nó tạo thành hiệu ứng domino khiến phim ngày càng nổi tiếng hơn.

Hơn thế nữa, trò chơi trong Squid Game rất đơn giản và dễ dàng bắt chước. Các trò chơi nhanh chóng được người xem học theo và muốn thử sức. Rất nhiều công viên mô phỏng những trò chơi trong Squid Game được mở ra ngay khi bộ phim kết thúc. Chắc hẳn, bạn đã không ít lần thấy những video thử sức với chiếc kẹo đường của nhiều tiktoker.
Những biểu tượng trong Squid Game như: áo, mặt nạ, card, con búp bê khổng lồ,… cũng được bày bán hoặc trưng bày ở những quảng trường, ga tàu điện ngầm, công viên vui chơi,… nhằm thu hút người xem. Đặc biệt là xây dựng màu sắc trong phim với 2 màu xanh – hồng tương phản tạo hiệu ứng rất tốt cho cả series. Tất cả đã tạo nên những nền tảng marketing vững chắc và tối ưu chi phí nhất cho Netflix và đội ngũ Squid Game.

Xây dựng tâm lý nhân vật: Điểm yếu của nhiều phim sinh tồn

squid-game

Khi mà con người phải đặt cái giá cao hơn cho sự thất bại trong một cuộc chơi  – mạng sống. Sức ép từ tâm lý khiến cho họ dễ bộc lộ “phần con” ở bên trong mình nhất. Thế nhưng mà đa số các tác phẩm phim về trò chơi sinh tồn thường chỉ tập trung vào việc khai thác trò chơi, tâm lý nhân vật được khai thác rất ít hoặc chưa đủ chiều sâu, điển hình như: Battle Royale, Alice In Borderland, The Hunger Games, Circle,… Thế nhưng, Squid Game lại xây dựng tốt hệ thống nhân vật cùng sự phát triển tâm lý rất logic. 

Trong Squid Game, chúng ta có thể thấy 1 Gi-hun nghèo khổ, thất bại nhưng lại rất sống rất trượng nghĩa; Cho Sang-woo thông minh, quyết đoán nhưng mưu mô; một Kang Sae-byeok bất cần đời nhưng lại cực kỳ lo lắng cho e trai của mình;…. Điều này tạo một sự đồng cảm rất lớn giữa người xem với các nhân vật trong phim. 
Squid Game vẫn chưa hẳn là một series trò chơi sinh tồn tròn trịa. Phim xây dựng tâm lý nhân vật rất tốt, tự nhiên nhưng lại khá “an toàn” không có nhiều yếu tố mang tính đột phá. Các trò chơi trong Squid Game đơn giản nhưng không thể không kể đến những chi tiết sạn, thiếu logic. 



Dù vậy, vẫn phải công nhận sức hút không thể chối cãi của Squid Game – 1 tựa phim giải trí đang xem, cân bằng tốt giữa trò chơi sinh tồn, tâm lí nhân vật và câu chuyện xã hội. Trò chơi sinh tồn Squid Game vẫn tiếp tục, khán giả chắc chắn có thể tin tưởng vào một Squid Game mùa 2 không kém phần hấp dẫn và ấn tượng.
Tapchireview’s rating: 9.0/10