Trái tim Brutus được ra mắt lần đầu tiên vào năm 1989. Đây là thời điểm nền kinh tế Nhật Bản chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ của ngành công nghiệp robot. Robot tham gia vào hầu hết các hoạt động kinh tế, xã hội của người dân xứ sở hoa anh đào. Higashino đã mượn hình ảnh robot để viết lên một câu truyện trinh thám chặt chẽ và lôi cuốn trong Trái tim Brutus.

Trái tim Brutus: Cuộc chạy tiếp sức không hồi kết

Chạy tiếp sức là bộ môn thể thao mà các thành viên trong một đội thay nhau hoàn thành các chặng đường đua. Người ở trước khi kết thúc chặng đua của mình sẽ chuyền một cây gây cho người ở sau để họ tiếp tục chạy và chuyền đến người tiếp theo cho đến khi về đích.  3 yếu tố chính quyết định chiến thắng của bộ môn này đó là: sự phân chia người hợp lý giữa các chặng đua, tốc độ và sự phối hợp nhịp nhàng giữa các thành viên.

Tác phẩm theo chân Suenaga Takuya – người đảm nhận trách nhiệm phát triển robot sử dụng trí thông minh nhân tạo trong công ty Công nghiệp nặng MM. Tương lai của Takuya đang rộng mở khi gã trở thành ứng cử viên sáng giá cho chức hôn phu với Hoshiko – con gái út ông chủ công ty MM. Thế nhưng, viễn tưởng tươi đẹp đó có nguy cơ sụp đổ khi người tình Yasuko báo tin rằng cô nàng đang thai nghén đứa con của gã. Câu chuyện càng được đẩy lên cao trào khi cái thai đó cũng có thể là của Naoki – con trai ông chủ có cơ hội thừa kế Công nghiệp nặng MM và Hashimoto – đồng nghiệp cùng công ty của Takuya. Cái thai của Yasuko lúc này đang đe dọa đến cuộc sống đầy hứa hẹn của cả 3 người. Từ những người không thân thiết với nhau, cả 3 đều đồng ý vạch ra một kế hoạch giết người tưởng chừng như vô cùng hoàn hảo.  

Áp dụng quy tắc của của bộ môn chạy tiếp sức cho kế hoạch giết người, nhưng chặng đua ở đây là từ Osaka đến Nagoya qua Atsugi rồi kết thúc ở Tokyo. Trên tay họ không phải là cây gậy tiếp sức mà là xác chết của Yasuko. Việc chuyền xác chết sẽ giúp cả 3 người có đủ thời gian để tạo chứng cứ ngoại phạm cho mình. 

Trái tim Brutus cho độc giả biết trước thủ phạm và thủ thuật gây án. Thế nhưng, tác phẩm vẫn đủ thu hút người đọc, khi ngay từ những chương đầu tiên, Keigo đã đưa vào một cú twist lớn: kế hoạch theo đúng dự định nhưng cái xác mà họ vận chuyển lại là Naoki – kẻ đã bày ra toàn bộ âm mưu giết người này. Từ đây, Takuya quyết định tự mình tìm ra chân tướng sự thật đang bị che dấu phía sau kế hoạch chuyền xác. Câu chuyện ngày càng phức tạp khi những bí ẩn nối tiếp bí ẩn, án chồng án. Mặt khác, Takuya biết rằng cần phải thực hiện một kế hoạch phạm tội khác bởi lẽ tính mạng của gã cũng đang bị đe dọa.

trai-tim-brutus

Click để mua sách Trái tim Brutus đang GIẢM GIÁ tại TIKI

Click để mua sách Trái tim Brutus đang GIẢM GIÁ tại SHOPEE

Trái tim Brutus – Ai mới là kẻ thiếu khuyết trái tim?

Trái tim Brutus là một tác phẩm trinh thám – xã hội của tác giả Higashino Keigo. Yếu tố xã hội trong Trái tim Brutus không quá ấn tượng như những tác phẩm khác của ông nhưng đủ để người đọc suy nghĩ khi những trang sách cuối cùng khép lại. Cuốn sách đặt ra vấn đề về vai trò thực sự của robot trong thế giới con người. Liệu rằng một robot làm việc theo đúng lập trình, không biết mệt mỏi có thể thay thế được sức lao động của con người? 

Brutus chính là con robot mà Takuya dành trọn tâm huyết. Gã luôn tin rằng chỉ có robot mới hoàn toàn trung thành với con người và robot sẽ không bao giờ mắc phải sai lầm trong quá trình làm việc. Tuy nhiên, dù có là con robot cao cấp nhất, hoàn hảo nhất, Brutus cũng không thể có 1 trái tim như con người. Điểm thiếu khuyết này đối với Takuya mà nói là không đáng kể. Như khi Munakata nhận xét rằng: “Chúng vẫn chỉ là những khối thép…. Không có trái tim.” Takuya đã khẳng định chắc nịch “Cần gì phải có trái tim!”. 

Có thể đúng như Takuya nghĩ rằng robot mang lại hiệu quả công việc tốt hơn so với sức người. Thế nhưng, không thể phủ nhận con người vẫn cần phải tham gia và hợp tác với robot trong công việc. Như trong tác phẩm có đề cập đến sự hạn chế của robot, chúng thường chỉ được lập trình với một số công việc nhất định. Khi chúng nhận được nguyên liệu từ băng chuyền sẽ tiếp tục làm công việc mà không cần quan tâm đến nguyên liệu đó có bị lỗi hay không. Để phân loại nguyên liệu lỗi vẫn cần những công nhân làm việc ở khâu đầu tiên.

Higashino Keigo đã khéo léo mượn câu chuyện làm việc của robot để nói về mặt tối trong mỗi con người. Takuya nghĩ rằng robot không cần có trái tim nhưng chính gã cũng đang khước từ chính trái tim bằng thịt bằng máu của mình. Đó là khi, Takuya nhận được một cái xác khác không đúng với kế hoạch. Gã hành động giống như một con robot là tiếp tục làm công việc vận chuyển của mình mặc cho cái xác đó có “lỗi” đi chăng nữa. Để rồi cuối cùng chúng ta được thấy một Takuya máu lạnh, không thể quay đầu vì trái tim của gã đã bị chính gã che mờ bởi những tội ác. 

Trong Trái tim Brutus, độc giả còn được thấy một cuộc sống đầy mệt mỏi của những con người đang muốn tìm cho mình một vị trí đứng trong xã hội. Takuya với xuất phát điểm không mấy thuận lợi, mẹ mất sớm, bố thì nghiệm rượu. Một mình gã phải tự lên Tokyo để học tập và làm việc kiếm sống. Takuya luôn ghen tỵ với những ai ngay từ nhỏ đã được sống trong sự giàu sang. Chính vì vậy, gã không ngừng tìm kiếm cho mình những cơ hội tốt để leo lên một vị trí cao hơn trong xã hội. Sự cầu tiến mà Takuya xác định ngay từ ban đầu là một lý tưởng tốt. Nhưng cách thức mà gã thực hiện chắc chắn là không thể tán đồng. Gã tìm mọi cách để bước chân vào ngôi nhà của ông chủ công ty MM bằng việc tán tỉnh cô con gái út nhưng chẳng hề ưa nàng ta. Nhưng không chỉ dừng lại ở đó Takuya còn sẵn sàng loại bỏ cả những kẻ ngáng đường gã bằng bất kỳ thủ đoạn nào, thậm chí là giết người. Liệu sự đánh đổi của gã có đúng đắn khi đến cuối tác phẩm, Takuya chẳng khác nào một con robot được lập trình và không có trái tim?

Dù Trái tim Brutus thuộc vào thời kỳ sáng tác đầu của Higashino nhưng tác phẩm vẫn mang đến một câu chuyện trinh thám chặt chẽ, logic và thu hút người đọc. Vấn đề xã hội được tác giả cài cắm hết sức tinh tế và khéo léo. Sự phát triển tâm lý của nhân vật chính Takuya cũng rất thuyết phục khi một mặt gã cố gắng vươn đến vị trí cao của xã hội thì hành động của gã lại từng bước tự đưa mình vào hầm ngục tối tăm của tội lỗi. Một các khắc họa nhân vật rất đỗi quen thuộc của Keigo mà độc giả có thể dễ dàng nhận thấy trong những sáng tác nổi bật sau này như: Bạch dạ hành, Phía sau nghi can X,…

Review sách Trái tim Brutus

Tapchireview’s rating: 3.75/5